(21:11 | 22/11/2021)
So với tháng 7-2021, giá nhiều loại phân bón hiện tăng thêm 120-250 ngàn đồng/bao 50kg và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Giá tăng mạnh nhất là các loại DAP và phân bón Urê (phân đạm), kế đến là nhiều loại phân kali và NPK, trong khi giá các loại phân lân không tăng. So với thời điểm đầu năm 2021, hiện giá phân DAP bán ra cho nông dân với giá từ 1-1,1 triệu đồng/bao, tăng 400 ngàn đồng/bao; đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau có giá 850 ngàn đồng/bao, tăng 400.000 đồng/bao; phân kali ở mức 790-800 ngàn đồng/bao, tăng 240 ngàn đồng/bao; phân NPK có giá 750 ngàn đồng/bao, tăng từ 250-330 ngàn đồng/bao; giá NPK 16-16-8 Việt Nhật 720 ngàn đồng/bao, tăng 250 ngàn đồng/bao; giá NPK 20-20-15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 +TE Đầu Trâu 980 ngàn đồng/bao, tăng 330 ngàn đồng/bao.
Thời gian qua, giá phân bón thế giới liên tục tăng, giá các loại nguyên liệu nhập khẩu cùng nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất phân bón trong nước như điện, xăng dầu, tiền thuê nhân công… cũng tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến giá bán các loại phân bón trong nước. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây khó cho việc xuất nhập khẩu, việc vận chuyển phân bón từ địa phương này sang địa phương khác làm phát sinh thêm chi phí, góp phần khiến giá bán phân bón bị đội lên. Với diễn biến giá cả thị trường phân bón như hiện nay, nông dân đang ở vào thế rất bất lợi do chi phí sản xuất tăng cao, nếu giá đầu ra sản phẩm giảm thấp sẽ không có lãi thậm chí thua lỗ.
Ảnh: Người dân xã Hòa An (Giồng Riềng) chuẩn bị phân bón cho vụ lúa đông xuân 2021-2022.
Theo chị Nguyễn Thanh Thúy – Chủ Đại lý phân bón cấp 1 Hoàng Sơn, khu phố 4, thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng), giá phân bón tăng cao kỷ lục như hiện nay khiến các cửa hàng bán lẻ phân bón gặp khó về vốn, nguy cơ bị lỗ vốn nếu sau khi nhập phân bón về giá bất ngờ giảm trở lại. Tuy nhiên, nếu không nhập hàng vào thời điểm này sẽ có nguy cơ đứt nguồn hàng bán ra cho vụ đông xuân 2021-2022 nếu giá phân bón tiếp tục tăng thêm.
Hiệu quả sau 3 năm thực hiện Quyết định 81 của Thủ Tướng Chính Phủ