Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Dân Vận Chính Quyền

Xem với cỡ chữAA

Đưa cán bộ trẻ về hợp tác xã nông nghiệp

(09:14 | 20/09/2018)

       Thiếu đội ngũ cán bộ có tay nghề và kinh nghiệm quản lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) kém hiệu quả. Trước thực tế đó, ngày 13-7-2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Chỉ thị 1557/CT-UBND về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất, phát triển hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trên địa bàn tỉnh.

         TRỢ LỰC KỊP THỜI

Theo Chỉ thị 1557/CT-UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Liên minh Hợp tác xã tỉnh tuyển dụng, quản lý, trả lương và bồi dưỡng kiến thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã cho cán bộ trẻ tốt nghiệp từ cao đẳng, đại hội về làm việc có thời hạn tại các HTXNN. Đồng chí Nguyễn Văn Thế - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, cho biết: “Việc triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTXNN nhằm kỳ vọng hỗ trợ các HTXNN trong quản trị sản xuất, quản trị tài chính và kinh doanh, giúp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTXNN. Hiện Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang dự toán kinh phí để đến năm 2019 sẽ tổ chức tuyển cán bộ trẻ có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh về làm việc tại hợp tác xã, lương sẽ trả trong 3 năm, mức lương bằng mức tối thiểu vùng, số lượng tuyển là 1-3 người làm việc tại 1 hợp tác xã. Trước mắt sẽ chọn một số HTXNN thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng”.

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, đến nay cả tỉnh có 369 HTXNN, trong đó chỉ có 40% hợp tác xã hoạt động hiệu quả có thực hiện được chuỗi liên kết sản xuất. Đồng chí Nguyễn Văn Thế, cho biết: “Một trong những nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực của các hợp tác xã còn hạn chế nên còn không ít hợp tác xã chưa đủ khả năng để thực hiện được các khâu trong chuỗi liên kết, dẫn đến việc quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn”.

PHÁT HUY SỨC TRẺ

Thực tế thời gian qua cho thấy, đã có nhiều HTXNN quan tâm, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Đơn cử như HTXNN Tân Hưng, xã Giục Tượng (Châu Thành). Được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTXNN Tân Hưng ở tuổi 38 vào năm 2011, anh Lê Minh Hải luôn phát huy sức trẻ, sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, “lèo lái” con thuyền tập thể ngày càng tiến lên, đem về lợi nhuận cao cho thành viên. Cách làm của anh Hải là tổ chức đấu thầu để thuê được máy cày, xới đất, máy cắt lúa và bán đồng vịt với giá có lợi nhất cho nông dân. Mỗi lần đấu thầu, sẽ mời các doanh nghiệp, thương lái để đấu thầu dưới sự chứng kiến của thành viên hợp tác xã. Điều khiến doanh nghiệp mua lúa của HTXNN Tân Hưng với giá cao hơn giá thị trường từ 100-150 đồng/kg là do hợp tác xã thu hoạch đồng loạt, cùng làm một loại giống, lại có ban giám đốc xông xáo, trách nhiệm giúp thu mua nhanh chóng, thuận lợi. Làm ăn có lời, ngoài đem về lợi nhuận bình quân 80 triệu đồng/ha/năm cho thành viên, cao hơn so ngoài hợp tác xã 25 triệu đồng/ha/năm. Việc trả lương cho ban quản trị, trích quỹ và chia lợi nhuận cho thành viên được HTXNN Tân Hưng thực hiện đầy đủ, đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Thấy làm ăn tập thể hiệu quả, từ 150ha năm 2011, đến nay, diện tích tham gia HTXNN Tân Hưng đã tăng lên 520ha.

Ảnh: Anh Lê Minh Hải (bìa trái) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng, xã Giục Tượng (Châu Thành) cùng thành viên hợp tác xã cân lúa cho doanh nghiệp.

HTXNN Hưng Điền, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) được thành lập năm 2015 và kỹ sư chuyên ngành Nông học Trần Thanh Phong được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc khi mới 38 tuổi và đang là nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên về lĩnh vực nông nghiệp. Sau 2 tháng thành lập, anh Phong bắt tay ngay vào việc vận động thành viên hợp tác xã góp thêm vốn đầu tư mới 9 con đập, khép kín toàn bộ cánh đồng 205ha và được bơm tát đồng loạt bằng điện 3 pha. Anh Phong cho biết: “Do vốn điều lệ ban đầu của hợp tác xã quá ít nên chúng tôi chọn phương án thành viên Ban Quản trị sẽ gương mẫu góp vốn trước, sau đó vận động các thành viên khác được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhờ bà con ủng hộ nên việc thi công khép kín khu bờ bao để bơm tát tập trung, gieo sạ đồng loạt, từ đó giúp bà con giảm giá thành sản xuất lúa giảm từ 2.600 đồng/kg còn 1.700 đồng/kg, lợi nhuận thu về bình quân 50 triệu đồng/ha/năm”. Được huyện đánh giá cao về hiệu quả quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTXNN Hưng Điền được huyện chọn thí điểm hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP giai đoạn 2018-2020.

BÍCH LINH