Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Dân Vận Chính Quyền

Xem với cỡ chữAA

Tháo gỡ cái khó về vốn cho hợp tác xã

(10:05 | 23/11/2018)

         Kinh tế hợp tác là yêu cầu tất yếu trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Và để thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất cho các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) là những giải pháp cần được chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế trên địa bàn tỉnh số HTXNN được hỗ trợ về vốn lại chẳng bao nhiêu.

          KHÓ TIẾP CẬN VỐN TÍN CHẤP

Với diện tích 640ha sản xuất lúa 3 vụ/năm, doanh thu 60,8 tỷ đồng/năm với khoản lợi nhuận 24,3 tỷ đồng/năm, HTXNN Kênh 7A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) được đánh giá là khá hiệu quả. Song, theo ông Nguyễn Đình Khả - Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 7A, cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã vẫn chưa được ngân hàng cho vay vốn với lý do không có tài sản thế chấp”. Và tình hình này không chỉ có ở HTXNN Kênh 7A mà còn nhiều HTXNN khác trong tỉnh. Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, tỉnh hiện có 400 hợp tác xã, trong đó có 298 hợp tác xã nông nghiệp trồng lúa nhưng còn rất ít hợp tác xã được tiếp cận vốn ngân hàng.

Lý giải nguyên nhân, đồng chí Nguyễn Văn Thế - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: “Khó khăn nhất là các HTXNN không có tài sản thế chấp và ít hợp tác xã có phương án kinh doanh hiệu quả”. Ngày 12-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó quy định các hợp tác xã được vay không cần thế chấp tài sản với mức vay tối đa đến 500 triệu đồng. Ngày 9-6-2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn sửa đổi thay thế Nghị định 41/NĐ-CP bằng nâng mức cho vay đối với HTXNN lên đến 1 tỷ đồng không thế chấp tài sản. Tuy nhiên, chỉ vài hợp tác xã đang hoạt động được tiếp cận vay vốn tín dụng với số vốn vay chưa nhiều.

Ảnh: Ông Nguyễn Đình Khả - Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 7A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) đang vận hành trạm bơm nước chuẩn bị cho việc gieo sạ lúa đông xuân 2018-2019 của hợp tác xã.

TÌM CÁCH GỠ KHÓ

“Để hỗ trợ hợp tác xã vay vốn sản xuất, kinh doanh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã giới thiệu cho 1 HTXNN vay 500 triệu đồng từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt; đồng thời ký hợp đồng hợp tác với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội chi nhánh Kiên Giang để mua được môtơ làm dịch vụ bơm tưới, giới thiệu 22 hợp tác xã làm thủ tục 648 thành viên vay 97,15 tỷ đồng mua máy cày, máy gặt đập liên hợp để hợp đồng liên kết với hợp tác xã, giúp hình thành chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất cho thành viên hợp tác xã”, đồng chí Nguyễn Văn Thế, cho biết. Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phân bổ 300 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã triển khai cho 3 HTXNN trong tỉnh vay để đầu tư mới, nâng cấp kênh mương, cống đập để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên số vốn còn hạn chế nên mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của hợp tác xã.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng đã có văn bản thông báo giới thiệu Quỹ hỗ trợ phát triển của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đến các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về quy định cho vay của Quỹ như: Cho vay xây dựng nhà kho, nhà xưởng, lò sấy, phương tiện vận tải, máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp và các thiết bị khác; lãi suất cho vay là 5,13%/năm; thời gian vay vốn tối đa 5 năm, trả lãi hàng tháng, nợ gốc trả theo tháng hoặc theo quý tùy vào nguồn thu của hợp tác xã. Quỹ hỗ trợ phát triển cho vay tối đa 80% tổng mức đầu tư dự án, hợp tác xã phải đối ứng 20% còn lại. Đối với dự án mua xe tải, xe vận chuyển, hợp tác xã có thể thế chấp bằng xe những chỉ được vay vốn tối đa 70% tổng mức đầu tư và hợp tác xã phải mua bảo hiểm thân vỏ cho xe và chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm cho Quỹ hỗ trợ phát triển trong suốt thời gian vay vốn. Hiện Hợp tác xã dịch vụ thủy sản Tân Thành (Vĩnh Thuận) và HTXNN Thạnh Tiến (Vĩnh Thuận) đang hoàn tất thủ tục vay 1,6 tỷ đồng đầu tư mua xe tải để vận chuyển thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp cho hợp tác xã.

ĐÔNG HƯNG