Ông Nguyễn Văn Nam, nông dân ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương cho biết, trong vụ Đông Xuân năm nay gia đình ông gieo sạ 2 ha giống lúa Đài Thơm 8. Ở đầu vụ tình hình thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển tốt, không có dịch bệnh. Tuy nhiên, đến khoảng 27 Tết thì rầy nâu bắt đầu xuất hiện và lây lan mạnh. Mặc dù gia đình ông đã phát hiện và phun xịt nhưng vẫn không mang lại hiệu quả. “Đến nay, hơn 2 ha lúa của gia đình tôi có khả năng bị ảnh hưởng khoảng 30% năng suất do bị rầy nâu gây hại’, ông Nguyễn Văn Nam nói.
Ảnh: ông Nguyễn Văn Nam, ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình (Kiên Lương)theo dõi tình hình dịch bệnh rầy nâu trên lúa của gia đình
Một số diện tích lúa cùng sản xuất giống Đài Thơm 8 của những hộ nông dân sản xuất xung quanh cũng bị rầy nâu tấn công, mặc dù bà con đã tiến hành phun xịt thuốc để trị nhưng vẫn không hết, trái lại rầy nâu còn phát triển nhiều hơn. Điển hình như gia đình bà Đỗ Thị Lân, ở ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương. Trong 8,5 ha lúa của gia đình gieo sạ trong vụ Đông Xuân này thì có hơn 2 ha bị rầy nâu tấn công, gây hại từ 30 đến 45%, đặc biệt một số diện tích đã xảy ra hiện tượng “Cháy rầy” cục bộ, ảnh hưởng lớn đến năng suất của cây lúa. “Có những diện tích tôi mướn người phun xịt 4, 5 lần mà vẫn không hết, ngược lại rầy ngày càng xuất hiện nhiều hơn, có khoảng 2 ha ảnh hưởng lớn, có thể phải bỏ vì lúa chết gần hết”, bà Đỗ Thị Lân buồn bả cho biết.
Ông Phạm Văn Mười Hai, nông dân ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương thì cho biết, không giống như mọi năm, khi phát hiện rầy nâu xuất hiện chúng tôi phun xịt 1, 2 lần là hết, nhưng năm nay thì việc phun xịt không đạt hiệu quả. “Nông dân chúng tôi rất mong ngành chức năng hướng dẫn, giới thiệu cho những loại thuốc phòng trị và cách phun xịt sau cho đạt hiệu quả nhất”, ông Phạm Văn Mười Hai nói thêm.
Ảnh: ông Phạm Văn Mười Hai, nông dân ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình (Kiên Lương)
chỉ nơi rầy trú ẩn, gây hại trên trà lúa của gia đình
Theo ông Đặng Văn Uyên, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiên Lương, cho biết, dịch bệnh rầy nâu phát triển mạnh và bùng phát trên một số diện tích lúa của bà con nông dân trên địa bàn huyện ngoài nguyên nhân khách quan do tình hình thời tiết thì phần lớn do bà con nông dân vẫn giữ thói quen gieo sạ dầy và đặc biệt là xuất hiện tình trạng rầy “Gối lứa” ở giai đoạn làm đòng, trổ tán là dầy nên mặc dù bà con tăng cường phun xịt thuốc phòng trị nhưng vẫn không đạt hiệu quả cao. Để phòng trị rầy đạt hiệu quả, bà con nông dân cần thực hiện việc phun xịt đúng cách, đó là phun sát gốc lúa nơi rầy đeo bám vì hiện nay rầy nâu xuất hiện ở những diện tích lúa đang trong giai đoạn đòng, trổ có tàn lúa rất dầy nên khó phun xịt thuốc tiếp xúc được với rầy. Vì vậy bà con nông dân cần điều chỉnh béc phun mưa, phun kỹ, chậm, hướng vòi sát gốc lúa nơi rầy trú ẩn…thì mới có kết quả.
Để đảm bảo việc sản xuất đạt sản lượng và năng suất đề ra, ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân ngoài việc thực hiện các biện pháp phun xịt đúng kỹ thuật, đúng thuốc, khi phát hiện rầy nâu đang nở rộ, với mật số 3 con/tép lúa thì tổ chức khoanh vùng, phòng trị tập trung, đồng loạt. Đối với lúa giai đoạn trước trổ, bà con nông dân cần sử dụng thuốc nhóm chống lột xác, lưu ý không sử dụng thuốc có phổ tác động rộng sẽ giết thiên địch, làm mất cân bằng hệ sinh thái và tái phát rầy ở cuối vụ.