Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Dân Vận Chính Quyền

Xem với cỡ chữAA

Thấp thỏm chờ người mua lúa đông xuân đầu vụ

(09:34 | 27/02/2019)

       Khoảng nửa tháng trở lại đây, nông dân một số huyện trong tỉnh bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019, nhưng năng suất lúa giảm, giá lại thấp, nhiều nơi không có người mua, khiến nông dân đứng ngồi không yên vì đây là vụ sản xuất chính trong năm.

            GIẢM HƠN 1.000 ĐỒNG/KG

          Đang tất bật cùng gia đình suốt lúa tại ruộng, ông Danh Thọ (70 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành), cho biết: “Lúa vô bao mà rầu thúi ruột. Lúa Đài Thơm 8 chỉ 4.700 đồng/kg, thấp hơn vụ đông xuân năm ngoái 1.000 đồng/kg, vậy mà kêu ghe hoài vẫn không ai mua, phải chở về nhà. Do cánh đồng này đất lún nên bà con phải cắt tay hết 500.000 đồng/công, cộng thêm tiền suốt, tiền kéo lúa nữa coi như thất trắng”. Theo ông Thọ, vụ lúa này ruộng ông bị cháy rầy, xịt 3 lần thuốc mà vẫn không hết khiến chi phí tăng 30%, năng suất lại giảm, chỉ được 15 bao/công. Cạnh đó, ông Danh Dân, ngụ ấp Vĩnh Đằng cũng lo lắng không kém vì hơn 600 bao lúa vừa thu hoạch được từ 40 công vẫn chưa bán được. “3 đêm rồi đêm nào cũng ngủ giữ lúa để khỏi tốn chi phí chở về nhà. Năm nay giá lúa thấp hơn năm ngoái 1.000 đồng/kg, nghe giá vậy thôi chứ có ai mua đâu. Mần xong để luôn ngoài đồng, chưa bán được”, ông Dân nói. Đi dọc con đường thuộc tuyến kênh Đập Đá, xã Vĩnh Hòa Phú, khá nhiều lúa thu hoạch xong vẫn chờ người mua. Theo đồng chí Lê Quốc Việt - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, đến ngày 18-2, toàn huyện thu hoạch hơn 1.900ha lúa đông xuân 2018-2019, năng suất chỉ từ 4,5 tấn/ha; nguyên nhân khiến lúa đạt năng suất thấp do một phần đây là vùng canh tác lúa không có lũ về, mặt khác một số nơi lúa bị rầy cục bộ, làm giảm năng suất 15%.

Giá lúa giảm nhưng nông dân bán lúa trong lúc này không dễ. Tại các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, nông dân rất khó bán lúa dù giá thấp. Ông Võ Minh Chiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 7B, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp), cho biết: “Thông thường vụ lúa đông xuân gieo sạ hơn 1 tháng đã có cò lúa đến tranh nhau đặt cọc thu mua, chậm lắm thì lúa bắt đầu trổ đã nhận được cọc. Vụ đông xuân năm nay chưa đầy 1 tuần nữa là thu hoạch mà chẳng thấy ai đến hỏi mua”.

Ảnh: Anh Danh Hà Mạnh, ngụ ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành) thu hoạch 40 công ruộng canh tác giống Đài Thơm 8 xong phải chở về nhà chờ thương lái.

Theo ghi nhận tại các huyện Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Hòn Đất, đến ngày 18-2, giá lúa tươi thương lái thu mua tại ruộng vẫn giữ mức khá thấp. Lúa IR50404 giá 4.000-4.200 đồng/kg, OM4900 và Đài Thơm 8 từ 4.500 -4.700 đồng/kg, lúa Nhật ĐS 1 từ 5.000 - 5.200đồng/kg, OM5451 giá 4.700 đồng/kg, giảm trung bình khoảng 800-1.000 đồng/kg so vụ đông xuân 2017-2018. Đối với các diện tích lúa đông xuân 2018-2019 có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá lúa cao hơn thị trường từ 500-800 đồng/kg, cụ thể giống lúa ĐS 1 giá 5.700 đồng/kg, lúa OM5451 giá 5.200 đồng/kg… Ông Bùi Văn Hưng, ngụ ấp Kiên Bình, xã Sơn Kiên (Hòn Đất), cho biết: “Vụ đông xuân 2018-2019, do dịch bệnh nên năng suất lúa giảm so vụ trước từ 200-300kg/công, chi phí phân bón, thuốc đều tăng trong khi giá lúa giảm khiến người dân không có lời. Nhiều hộ mướn đất trừ hết chi phí lỗ từ 1-1,2 triệu đồng/công. Riêng gia đình tôi làm đất nhà, trừ chi phí lời khoảng 2 triệu đồng/công, lợi nhuận giảm hơn nửa so vụ hè thu 2018”.

LÚA KHÓ BÁN, VÌ SAO?

Theo đồng chí Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh có 289.112ha lúa đông xuân 2018-2019 nhưng chỉ có 30% diện tích được doanh nghiệp bao tiêu. Hiện giá lúa đang có xu hướng giảm so thời điểm trước tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 do 3 yếu tố: Địa điểm bán, chất lượng lúa và loại giống lúa. Tại những địa điểm dễ vận chuyển, lúa trúng mùa, hạt lúa đầy, giống lúa chất lượng cao sẽ bán giá cao hơn những giống lúa thường, có chất lượng kém và tại những nơi vận chuyển khó khăn. Tuy nhiên, có hiện tượng một số thương lái lợi dụng vùng sâu, vùng xa, vận chuyển khó khăn để ép giá, nhưng diện tích này không nhiều. Ngoài ra, diện tích lúa đã nhiễm bệnh hoặc rầy thường có giá bán thấp hơn dù cùng giống lúa. Hiện trong tỉnh có trên 3.000ha lúa bị nhiễm rầy nâu với mức độ khác nhau. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo ngành dọc phối hợp các địa phương và nông dân hướng khắc phục. Theo dự báo giá lúa có khả năng sẽ tiếp tục giảm khi nông dân bước vào thu hoạch chính vụ đông xuân 2018-2019. Tuy nhiên, giá lúa có thể thay đổi phụ thuộc vào thị trường lúa gạo thế giới.

Hiện toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 59.000ha trong tổng số 289.112halúa đông xuân đã xuống giống. Những diện tích lúa đã thu hoạch chủ yếu là giống lúa ngắn ngày và được gieo sạ sớm. Hiện các trà lúa trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn đòng trổ và trổ chín. Dự kiến trong 10 ngày tới diện tích lúa thu hoạch sẽ tăng mạnh vì nhiều ruộng lúa đang chín.

Theo Sở Công thương, năm 2019 dự kiến Kiên Giang xuất khẩu 440.000 tấn gạo. Để tiêu thụ lúa vụ đông xuân 2018-2019, ngoài diện tích được doanh nghiệp bao tiêu, cả tỉnh có 3 doanh nghiệp thu mua gồm Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang (KTC), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yến Đăng và một số doanh nghiệp ngoài tỉnh. Ông Phan Văn Hoàng - Tổng Giám đốc KTC, cho biết, vụ đông xuân 2018-2019, dự kiến KTC thu mua, chế biến hơn 75.000 tấn gạo thành phẩm các loại (tương đương 150.000 tấn lúa) để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu trong quí I và quí II-2019. Hiện KTC đang đẩy mạnh thu mua lúa nguyên liệu và đưa về chế biến tại 2 xí nghiệp chế biến gạo xuất khẩu trực thuộc đóng trên địa bàn Tân Hiệp, Giồng Riềng. Năm 2019, theo dự báo của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan và Việt Nam, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo quốc tế sẽ khốc liệt hơn năm 2018 khi các quốc gia thu mua lớn giảm khối lượng nhập hàng, còn những quốc gia xuất khẩu gạo tăng cường đưa gạo ra thị trường quốc tế.

Ảnh: Ông Danh Thọ, ngụ ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành) hứng lúa từ máy suốt.

Đặng Linh - Huỳnh Lài - Thuỳ Trang