Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Dân Vận Chính Quyền

Xem với cỡ chữAA

ĐẢNG BỘ HUYỆN TÂN HIỆP: 3 KHÂU ĐỘT PHÁ GIÚP DÂN GIÀU, HUYỆN MẠNH

(16:08 | 14/01/2020)

 

Với quyết tâm cao, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Hiệp đã tìm tòi, lựa chọn những cách làm mới, phù hợp để chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Qua đó, khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, năng lực lãnh đạo của cấp ủy các cấp trên các lĩnh vực đời sống xã hội. 

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI, Huyện ủy Tân Hiệp đã xác định 3 khâu đột phá gồm: Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cán bộ đạt chuẩn, lực lượng lao động có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tranh thủ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và hiệu quả; tập trung nâng cấp, chỉnh trang đô thị gắn với phát triển chợ nông thôn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, theo hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Qua gần 5 năm thực hiện 3 khâu đột phá, một trong những kết quả nổi bật là tỷ lệ lao động qua đào tạo huyện Tân Hiệp ngày càng tăng, năm 2019 đạt 40,22%, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động/năm, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 0,25%. Năm 2019, huyện đã tổ chức thành công ngày hội việc làm tại 4 cụm với sự tham gia của 11 xã, thị trấn và 4 trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện. Qua tư vấn tuyển dụng, có 70 lao động đăng ký du học, làm việc trong và ngoài nước theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, trong đó, đi xuất khẩu lao động tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là 67 người, du học tại Nhật  Bản 5 người, còn lại 3 người đăng ký làm việc trong nước. Theo đồng chí Nguyễn Thị Tư – Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tân Hiệp, ngày hội việc làm được huyện duy trì hiệu quả trong 3 năm qua, giải quyết nhu cầu về việc làm cho người dân trong huyện. Đa phần các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trong nước và nước ngoài rất cao, các ngành nghề như: Điện tử, cơ khí, giày da, thực phẩm, hộ lý tư vấn về việc làm, du học.

 

Ảnh: Người lao động xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) được tư vấn việc làm tại ngày hội việc làm do Ủy ban nhân dân huyện tổ chức, tháng 9-2019

 

Là huyện có kênh rạch chằng chịt, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh. Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Tân Hiệp đề ra một loạt chương trình, dự án nhằm phát triển hạ tầng nông thôn, trong đó đáng chú ý là kế hoạch xây dựng cầu, các tuyến đường giao thông về trung tâm xã. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay góp sức của nhân dân, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã xây dựng mới 88km đường bê tông giao thông nông thôn và 26 cây cầu, nâng tổng số tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa trên 95%. Nổi bật là một số công trình như  phối hợp với Trung ương đầu tư xây dựng tuyến đường Quốc lộ 80B đoạn qua địa bàn huyện Tân Hiệp; tuyến đường xáng Chưn Bầu với hạng mục đường 16,5km và 10 cây cầu; mở rộng lề đường và 5 cây cầu tuyến đường 961 đoạn qua 2 xã Tân Hội và Tân Thành...

Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều chương trình, mô hình được nông dân ứng dụng có hiệu quả như nhân giống lúa cấp xác nhận, cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa theo hướng VietGAP, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm đã giúp nông dân giảm chi phí từ 1,9-2,5 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất đạt 9.001 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 4,5% năm, sản lượng lúa đạt 655 ngàn tấn, tăng 149 ngàn tấn so với đầu nhiệm kỳ. Thu nhập từ trồng 2 vụ lúa/năm trên 65 triệu đồng/ha, thu nhập từ trồng chuyên 3 vụ lúa/năm trên 91 triệu đồng/ha. Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực... Anh Phạm Văn Phúc, ngụ ấp Kênh 5B, xã Tân An (Tân Hiệp) vừa thu hoạch dứt điểm gần 10 tấn quýt đường. Bán với giá bình quân 20 ngàn đồng/kg, anh Phúc thu lãi hơn 150 triệu đồng. Anh Phúc nói: “Trước trồng lúa hoài không có dư, tôi chuyển 6,5 công lúa sang trồng quýt. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp nên năng suất quýt đạt cao, quýt cho trái ngọt lịm nên thu hoạch đến đâu xe tải từ TP. Hồ Chí Minh về cân hết đến đó”.

Đồng chí Trương Văn Hoàng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tân Hiệp, cho biết: “Đạt được kết quả trên là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Bên cạnh đó, huyện xác định đào tào, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp là một trong những khâu đột phá quan trọng, làm động lực để huyện phát triển toàn diện và bền vững”.

AN LÂM-PV BÁO KIÊN GIANG