Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Các giải pháp hỗ trợ nông dân, phát triển kinh tế năm 2024

(23:52 | 08/05/2024)

Trong những năm qua, công tác hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt trong giai đoạn 2018-2023 gắn với công tác Hội và Phong trào nông dân các cấp hội trong hệ thống đã thực hiện nhiều phần nội dung quan trọng góp phần vào việc hỗ trợ nông dân và phát triển kinh tế  - xã hội của tỉnh Kiên Giang, từng bước nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể  trong nhiệm kỳ 2018-2023 đã đạt được những kết quả nổi bậc trong công tác hỗ trơ nông dân như sau: (1) Tổ chức và vận động nông dân tham gia học nghề được 28.057 lượt  người (trong đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh trực tiếp tổ chức đào tạo nghề cho 2.357 hội viên, nông dân; các cấp Hội đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề đào tạo nghề được 25.700 lượt nông dân). (2) Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vay vốn theo hình thức tín chấp từ vốn ủy thác ngân hàng chính sách xã hội tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách là 1.482.642 triệu đồng, quản lý 1.023 Tổ TK&VV. Số hộ đang dư nợ là 49.018 hộ. Từ Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, huyện 46.683 triệu đồng, nguồn vốn ủy thác từ Trung ương Hội 9.282 triệu đồng đã hỗ trợ cho 4.529 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn thông qua 672 mô hình, dự án, qua đó đã tuyên truyền, vận động nông dân liên kết, hợp tác, xây dựng 42 dự án Hợp tác xã, 50 dự án Tổ hợp tác, 21 dự án Chi Hội nông dân nghề nghiệp, 9 dự án Tổ Hội nông dân nghề nghiệp. (3) Hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ: các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp cho trên 75.671 lượt hội viên. Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng thành công 138 mô hình điểm. (4) Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động liên kết, kết nối với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm nông sản của nông dân tiêu thụ tại các Siêu thị và các hội chợ; hướng dẫn nông dân đưa nông sản, các sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh Kiên Giang lên sàn thương mại điện tử giới thiệu và bán sản phẩm cho người tiêu dùng trong cả nước. (5) Hỗ trợ nông dân thành lập và củng cố 82 hợp tác xã.

 

Ảnh: Lễ triển khai hỗ trợ mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ cho bà con huyện Giang Thành.

 

Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh cón ít, còn nhỏ lẽ và đơn điệu chưa thực hiện được nhiều so với nhu cầu cần được hỗ trợ của nông dân trong toàn tỉnh, nguồn lực chỉ quy tụ được từ cán bộ, hội viên và các doanh nghiệp cùng đồng hành trong công tác hội và phong trào nông dân. Việc quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa sâu sát, chưa nhiều và làm cho công tác hỗ trợ nông dân chưa lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân.

Để hoạt động hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh được lan tỏa, giúp được nhiều nông dân hơn cần lắm những việc làm cụ thể sau:

(1) Các cấp Hội cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, đề xuất với chính quyền cùng cấp trong hoạt động hỗ trợ nông dân để quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện để thực hiện tốt và nhiều hơn trong hoạt động hỗ trợ nông dân; cần đổi mới phương pháp, nội dung, cách làm trong hoạt động hỗ trợ nông dân không chỉ dừng lại ở khâu tuyên truyền nói suông mà phải thực hiện bằng các mô hình thực tế, những việc làm cụ thể từ đó nông dân mới thấy và lan tỏa và nhân rộng  được những phần việc trong công tác hỗ trợ nông dân.

 

Ảnh: Công ty XAG MEKONG trình diễn máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu và bón phân tại buổi hội thảo trên địa bàn ấp Thạnh Lợi, xã Hòa Điền (Kiên Lương).

 

(2) Nghiên cứu vận dụng những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đặc biệt các chủ trương mới ban hành như: Nghị quyết 46 của Bộ chính trị; Quyết định 181 và 182 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về thực hiện các chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn để hỗ trợ nông dân nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

(3) Thay đổi tư duy, cách làm hỗ trợ nông dân, bỏ suy nghĩ theo cách làm cũ, không còn phù hợp, không thực hiện theo lối mòn là tập huấn kiến thức cho nông dân một cách đơn điệu, phải thay đổi bằng cách làm mới là hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, có mô hình cụ thể và có người hướng dẫn cho nông dân, kết nối với các đối tác là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân; suy nghĩ hỗ trợ nông dân phải rộng hơn, sâu hơn quan tâm đến nhiều mặt, nhiều khía cạnh của người nông dân như việc làm, thu nhập, đời sống, vật chất, văn hóa và tinh thần nông dân và cư dân sống trên đại bàn nông thôn từ đó mới giải quyết được cái gốc của vấn đề.

(4) Tăng cường đề xuất với cấp ủy, chính quyền những việc làm cụ thể nhằm làm tốt công tác hỗ trợ nông dân như: Tạo điều kiện cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh trong hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ được giao, hỗ trợ về kinh phí và nguồn nhân lực để đảm bảo tốt trong công tác hỗ trợ nông dân, và khai thác tốt những tiềm lực, cơ sở vật chất sẳn có của Trung tâm hỗ trơ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường quan tâm hỗ trợ hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đặc biệt là hàng năm bổ sung nguồn vốn của Quỹ từ nguồn ngân sách để hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất theo mức phí thấp.

(5) Tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp, ký kết các chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành nhằm hỗ trợ nhau trong công tác hỗ trợ nông dân; liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, các viện, trường để thực hiện công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, hướng dẫn nông dân cách làm giàu, khởi nghiệp an toàn, khởi nghiệp thành công.

Phi Hùng-TT HTND & GDNN (HNDT)