Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2024 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức thu hút 19 dự án, ý tưởng, trong đó, có 4 dự án của tập thể, 8 dự án của cán bộ, hội viên, nông dân, 7 dự án của sinh viên. Xuất sắc đoạt giải nhì cuộc thi với dự án nuôi sâu canxi thương phẩm bằng men vi sinh basilus, đồng chí Phan Văn Phê - Đảng ủy viên, Bí thư Xã đoàn Đông Yên (An Biên) cho biết: “Để giải bài toán thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến nông dân không có lãi, nhóm đã thử nghiệm nuôi sâu canxi trở thành nguồn thức ăn thay thế giàu dinh dưỡng giá rẻ, giúp nông dân nuôi trồng thủy sản tăng lợi nhuận”.
Theo anh Phê, mô hình nuôi sâu canxi dễ thực hiện với chi phí thấp, chỉ cần tận dụng chuồng trại cũ hoặc diện tích nhỏ là có thể nuôi được. Thức ăn của sâu canxi đa dạng từ cám, gạo đến phân heo, gà vịt, rác thải hữu cơ, giúp xử lý rác thải làm sạch môi trường. Phân sâu canxi có thể tận dụng nuôi trùn quế cũng là đối tượng làm thức ăn chăn nuôi, hoặc ủ hoai mục trồng rau màu, hoa kiểng. Cái hay của mô hình là dùng sâu canxi để nuôi gà, vịt và thủy sản các loại như cá, lươn, ếch, tôm, cua… giúp vật nuôi mau lớn, chi phí giảm so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp, phù hợp với nền nông nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn.
Xuất sắc vượt qua 12 ý tưởng, dự án tại vòng chung kết, dự án sản xuất và chế biến sản phẩm từ khoai lang của nhóm tác giả Đoàn Ngọc Dũng (Tân Hiệp) đoạt giải nhất. Anh Đoàn Ngọc Dũng cho biết: “Nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Điều này đã tạo ra một thị trường lớn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là các sản phẩm thay thế nhựa. Ống hút sinh học, nui và phở từ khoai lang của nhóm cũng nhằm mục tiêu này”. Dự án của anh Dũng được ban giám khảo đánh giá cao bởi sản phẩm được nghiện cứu và nghiệm thu từ dự án khoa học và công nghệ, sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, quy trình sản xuất khép kín và giúp gia tăng giá trị khoai lang Kiên Giang từng là mặt hàng phải giải cứu khi giá thị trường giảm mạnh.
.JPG)
Gian hàng trừng bài sản phẩm khô cá chạch của tác giả Lê Thái Nguyên Em (Giồng Riềng).
13 dự án, ý tưởng được vào chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2024 gồm: Nấm rơm trong nhà kính, khô các chạch, kẹo chuối, sâu can xi, sản phẩm từ khoai lang, lò trấu không khói, thiết bị cảnh báo gò rỉ khí gas, ba khía muối, tôm khô xẻ bướm, muối cua, đũa tre, tương hột, lúa sạch.
Lần đầu tiên đem sản phẩm đũa tre nhà làm đi thi thố, ông Danh Hồng Lạc, ngụ ấp Tràm Chẹt, xã Bàn Tân Định (Giồng Riềng) không khỏi bỡ ngỡ khi đứng trên sân khấu giới thiệu về nghề truyền thống của gia đình. Những chiếc đũa tre được vợ chồng ông Lạc vót thủ công khá công phu từ loại tre mạnh tông già được xếp vào túi có nhãn hàng hóa bắt mắt đã gây chú ý ban giám khảo cuộc thi và đại biểu tham dự. Năm 2019, nghề vót đũa tre ấp Tràm Chẹt được công nhận là nghề truyền thống. “Sau hơn 30 năm sống với nghề vót đũa tre đã cho tôi nguồn thu nhập ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn. Mỗi lao động có thể làm từ 250-300 đôi/ngày, 30.000 đồng/10 đôi, dự kiến lời nhuận trung bình từ 5-6 triệu đồng/tháng. Chỉ mong sản phẩm đũa tre của ấp sẽ được nhiều người biết đến và ngày càng đi xa hơn và không bị mai một”, ông Lạc nói.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày đũa tre truyền thống của tác giả Danh Hồng Lạc (Giồng Riềng).
Theo Ban Giám khảo cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, hầu hết các ý tưởng tham gia dự thi đều có tính mới, sáng tạo và phù hợp điều kiện thực tế của thị trường hiện nay, có thể ứng dụng trong cuộc sống. Nhiều ý tưởng có tiềm năng để phát triển thành những dự án khởi nghiệp trong tương lai. Một số ý tưởng đã hình thành và tham gia thị trường và được thị trường chấp nhận, thể hiện được tính năng động của nông dân với khao khát lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng.
“Ban Giám khảo cuộc thi trong quá trình phản biện đã gợi mở, giải đáp, hướng dẫn các nhóm dự án, thí sinh hoàn thiện hơn sau cuộc thi. Hy vọng tinh thần sáng tạo, đổi mới của hội viên, nông dân tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, làm nền tảng để lĩnh vực nông nghiệp bền vững và ứng dụng công nghệ cao của tỉnh ngày càng phát triển”, đồng chí Đỗ Trần Thịnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nói.