Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nông thôn mới

Xem với cỡ chữAA

Sắc thái mới ở xã ven biển Dương Hòa

(15:49 | 04/11/2021)

Khác với nhiều xã ven biển trong tỉnh còn nhiều khó khăn, xã Dương Hòa (Kiên  Lương) ngày có bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân ngày một nâng cao.

DIỆN MẠO MỚI

“Nếu trước đây, xã Dương Hòa có đông hộ nghèo, thì cuối năm 2020, còn 56 hộ nghèo, hiện nay thì chỉ còn 52 hộ nghèo”, đồng chí Lâm Bé Thắng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Dương Hòa vui mừng cho biết. Có được kết quả này, theo đồng chí Thắng là cả nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và sự phấn đấu vươn lên của người dân, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng của nhà nước.

Điểm đột phá đầu tiên của xã Dương Hòa là chỉ đạo phát huy có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Bằng các nguồn vốn của tỉnh, huyện và địa phương, những năm qua, các công trình như: Điện, nước, xây dựng giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, thủy lợi làm tiền đề cho phát triển sản xuất… được đầu tư. Qua đó, các tuyến đường liên ấp được bê tông hóa; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt 99%; hộ sử dụng điện, đạt 100%. Nhiều con đường quanh co triền núi, vươn tôm trước đây lầy lội khi bước vào mùa mưa thì nay được thay bằng lộ bê tông 3-4 mét, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và học sinh.

 

Ảnh: Anh Danh Xề Rây (đứng)- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tà Xăng, xã Dương Hòa thăm mô hình nuôi tôm quản canh trên địa bàn ấp.

 

Anh Danh Xề Rây - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tà Săng, xã Dương Hòa cho biết, ấp có 473 hộ, với 1.778 khẩu, nhưng có tới hơn 52% là đồng bào dân tộc Khmer. Hơn 10 năm trước, gần 70% trong tổng số hộ đồng bào dân tộc Khmer là hộ nghèo. Tuy nhiên, từ khi nhà nước quy hoạch địa bàn xã Dương Hòa, trong đó có ấp Tà Săng thành khu vực nuôi tôm công nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến, từ đó tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. “Tính sơ lượt đến nay, toàn ấp có tới 232 người làm việc ở các nhà máy sản xuất, khu vực nuôi tôm công nghiệp. Nhờ vậy, đời sống bà con nâng lên, 153 hộ có mức sống trung bình, còn lại khá giàu, chỉ còn 8 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo”, anh Danh Xề Rây cho biết.

 Cũng theo anh Danh Xề Rây, đời sống nhân dân được nâng lên, một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất hiệu quả, nên việc huy động việc đóng góp thực hiện xã hội hóa thuận lợi, từ hỗ trợ xây dựng cầu đường, đến chăm lo các gia đình chính sách, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn

NGƯỜI DÂN CÙNG CHÍNH QUYỀN VƯỢT KHÓ

Vào ở trong căn nhà tình nghĩa dành cho người có công trị giá hơn 90 triệu đồng cách nay chưa lâu, nhưng hễ nhắc tới ông Nguyễn Tấn Tài (sinh năm 1962), ấp Tà Săng, xã Dương Hòa đều bày tỏ xúc động, bởi sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. “Những đóng góp của gia đình tôi được ghi nhận và đền đáp, tôi thành thật biết ơn. Trước đây, gia đình tôi lo lắng nhà cửa mưa dột mỗi khi mùa mưa bắt đầu, giờ thì tôi yên tâm rồi. Bản thân tôi sẽ cố gắng lao động, động viên con cháu tích cực lao động, sản xuất vươn lên khá giả; chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, ông Tài bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Kim Tiền (30 tuổi), ngụ tổ 7, ấp Hòn Heo trước đây thuộc hiện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên được ban lãnh đạo ấp xét hỗ trợ được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Kiên Lương từ chương trình hỗ trợ vốn sản xuất. Có vốn, chị Tiền đầu tư kinh doanh mua cá chả. Nhờ làm ăn hiệu quả, đến nay chị Tiền không những thoát nghèo mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 2 người dân cạnh nhà. Đến cuối năm 2020, hộ ông Trần Minh Châu (45 tuổi), tổ 7, ấp Hòn Heo thoát ra diện hộ nghèo. Ông Châu được vay vốn sản xuất 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Kiên Lương để nâng cấp ghe lưới đánh bắt thủy sản. “Địa phương đã cố gắn tạo nguồn vốn cho mình nên phải cố gắn lao động để trả lại vốn và vươn lên để không phụ lòng”, ông Châu bộc bạch.

 

Ảnh: Mô hình nuôi tôm công nghiệp ở xã Dương Hòa.

 

Theo Đảng ủy xã Dương Hòa, nhận rõ tầm quan trọng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Kiên Lương để giảm nghèo, hơn 5 năm qua, xã đã khai thác khá tốt các nguồn vốn trên với số tiền hơn 22 tỷ đồng cho 1.306 hộ vay (các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, học sinh, sinh viên), để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Ngoài ra, xã Dương Hòa còn phối hợp tổ chức mở 11 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh cho gần 2.000 lao động. “Từ ý thức vươn lên của người dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, điều hành của chính quyền, cùng với sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã Dương Hòa thực hiện thành công xã nông thôn mới. Hiện xã ven biển Dương Hòa đang hướng đến mục tiêu đạt 19/19 tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao. Chúng tôi phấn đấu, mục tiêu là mỗi năm giảm từ 2 hộ nghèo; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%”, đồng chí Lâm Bé Thắng thông tin.

Xã Dương Hòa hôm nay có nhiều sắc thái mới. Điện - đường - trường - trạm, chợ nông thôn đều có. Trên vùng ven biển phèn mặn khó trồng lúa xưa kia, thì nay lại là một thuận lợi trong việc chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp, hoặc tôm quản canh. Từ nguồn nguyên liệu tôm, xã Dương Hòa xuất hiện hàng loạt nhà máy sản xuất, chế biến, nuôi trồng… tạo ra hàng trăm công ăn việc làm cho người dân, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương. Không những vậy, Dương Hòa còn có tuyến Quốc lộ 80 đi qua hàng chục km, tạo ra sự thuận lợi trong lưu thông phương tiện và hàng hóa, hiếm có xã ven biển nào có được.

Những ngày này, khi mà dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trong đó có xuất hiện trên địa bàn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã Dương đoàn kết, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

 

BOX- Dương Hòa là xã ven biển, có 6 ấp với 45 Tổ nhân dân tự quản, với diện tích tự nhiên hơn 4.168 ha, dân số toàn xã là 1.997 hộ với 7.544 khẩu. Tỷ lệ dân tộ Kinh, Khmer, Hoa lần lượt là 71,48%, 25,48% và 2,99%, dân tộc khác chiếm 0,05%. Cơ cấu kinh tế - xã hộ đa dạng và phong phú, từ đánh bắt khai thác, nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm công nghiệp…

Lê Vinh-PV Báo Kiên Giang