Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nhà nông cần biết

Xem với cỡ chữAA

Một số giải pháp mới để nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình kinh tế tập thể

(15:00 | 09/05/2023)

Hiện nay, tình hình kinh tế xã hội ngày càng chịu tác động nặng nề, nhất là dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng phát sinh trở lại; biến đổi khí hậu phức tạp…Mặc dù, Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhưng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản còn thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn nhân lực, khoa học-công nghệ, vốn đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn. Là một trong những thành phần chủ đạo để phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế tập thể luôn được quan tâm, chú trọng thúc đẩy. Để cụ thể hoá Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Chương trình hành động tại Nghị quyết 09/NQ-CP, ngày 02-02-2023 của Chính phủ. Với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã tỉnh Kiên Giang đã tham mưu nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình kinh tế tập thể.

Có thể nói, điều đáng phấn khởi nhất hiện nay là về nội dung, phương thức hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) cơ bản tổ chức thực hiện theo đúng Luật Hợp tác xã. Từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhất là sản xuất nông nghiệp. Huy động được các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng tình đoàn kết tương trợ lẫn nhau, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm việc đổi mới công tác phát triển KTTT, chú trọng đến chất lượng của Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX); thực hiện đúng quy trình thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã, khắc phục được cơ bản tình trạng thành lập HTX chạy theo hình thức. Số HTX thực hiện được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày một tăng cao, điển hình như các HTX ở huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, An Biên, Vĩnh Thuận và một số HTX thuộc Vùng Tứ Giác Long Xuyên. Việc hỗ trợ cho HTX được thực hiện tốt hơn qua việc đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, lồng ghép các chương trình mục tiêu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ (như đầu tư lưới điện phục vụ bơm tưới trong nông nghiệp, hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, xây dựng cánh đồng mẫu lớn…), từ đó mang lại kết quả tích cực đối với việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.

 

Điều đáng phấn khởi hiện nay là phương thức hoạt động của các mô hình KTTT cơ bản tổ chức thực hiện theo đúng Luật HTX

 

Tuy nhiên, đa số các mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, vốn ít, sức cạnh tranh thấp so với các mô hình kinh tế khác; chưa xây dựng được HTX tiên tiến, điển hình có quy mô lớn. Nhận thức về KTTT, HTX của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự thông suốt. Nhận thức về mô hình HTX còn khác nhau, chưa phân biệt sự khác nhau giữa mô hình HTX kiểu mới và mô hình HTX kiểu cũ, với tổ chức xã hội, với doanh nghiệp. Một số cấp ủy, chính quyền nhất là ở cơ sở chưa quan tâm sâu sát đến công tác củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Có nơi không nắm được tình hình hoạt động của THT, HTX; nhiều THT, HTX yếu kém hoặc không hoạt động kéo dài nhiều năm nhưng chậm được củng cố.

Công tác quản lý nhà nước về KTTT một số nơi còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên. Việc thực hiện chế độ báo cáo tài chính và báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã chưa tốt, tính minh bạch, dân chủ trong tổ chức và hoạt động của hợp tác xã chưa đảm bảo, có nơi còn vi phạm. Những khó khăn nội tại của hợp tác xã chậm được khắc phục đặc biệt là khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ, trình độ quản lý, nguồn nhân lực.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể theo chủ trương của tỉnh, cần đề ra một số giải pháp cụ thể như sau:

- Tăng cường tuyên truyền vai trò, vị trí của KTTT, các điển hình tiên tiến, mô hình HTX mới đến đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và người lao động, làm chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng phát triển KTTT, nòng cốt là HTX. Tập trung tuyên truyền tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.

 

Cấp ủy, chính quyền các cấp từng bước quan tâm đổi mới công tác phát triển KTTT.

 

- Tổ chức và hoạt động của HTX phải gắn với chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy đảng, chính quyền ở từng địa phương và phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn. Tăng cường tập huấn bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể cho cán bộ hợp tác xã và cán bộ quản lý Nhà nước làm công tác theo dõi kinh tế tập thể để nâng cao năng lực, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã của tỉnh.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX. Quan tâm củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ các cơ quan có liên quan từ tỉnh đến cơ sở để theo dõi, giám sát, hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Hằng năm, các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế-xã hội.

- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng lao động cho thành viên HTX. Có chính sách khuyến khích cán bộ trẻ có trình độ, năng lực tham gia vào các chức danh quản lý, điều hành HTX; khuyến khích hộ thành viên cử con em đào tạo trung cấp, đại học về phục vụ cho HTX. Thường xuyên quan tâm, theo dõi đội ngũ cán bộ trẻ trong HTX, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ quản lý, điều hành HTX, góp phần phát triển hợp tác xã lâu dài, bền vững.

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy hơn nữa vai trò của mình, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tự nguyện tham gia các tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX. Nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp liên tịch giữa Liên minh Hợp tác xã với Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các sở, ban, ngành trong phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu uy tín và chất lượng sản phẩm của HTX để cạnh tranh trên thị trường. Trang bị đầy đủ kiến thức quản lý, điều hành bộ máy lãnh đạo HTX, nhất là kiến thức về quản trị kinh doanh, kế toán, thị trường, phương án sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác kiểm tra tình hình hoạt động của các HTX trên địa bàn, kịp thời phát hiện những vướng mắc, yếu kém nhằm có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn HTX hoạt động đúng Luật và hiệu quả.

- Tăng cường tư vấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; trọng tâm là thu hút đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Tổ chức nhiều mạng lưới tổ hợp tác sản xuất giống các loại ứng dụng công nghệ cao, có hàm lượng khoa học cao theo yêu cầu sản xuất của các tổ chức kinh tế hợp tác. Phối hợp với viện, trường và các chương trình dự án hỗ trợ tổ hợp tác, HTX thực hiện sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và chỉ dẫn địa lý cho các tổ hợp tác, HTX tiến đến xây dựng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

 

Tuy nhiên, đa số các mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, vốn ít.

 

- Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm đối với HTX. Tiếp tục hỗ trợ để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, trong đó tập trung vào việc cung cấp thông tin về thị trường và khách hàng, tích cực tham gia diễn đàn trao đổi kinh nghiệm của các HTX trong và ngoài tỉnh, các hoạt động triển lãm, hội chợ; xây dựng và quảng bá thương hiệu cho HTX; hỗ trợ một số HTX có điều kiện xúc tiến thương mại ra thị trường trên thế giới.

- Huy động mọi nguồn lực phát triển HTX; khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào HTX nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh. Lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết. Hình thành chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Quan tâm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh.

- Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông dân khi tham gia HTX, tổ hợp tác và các hình thức tổ chức liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi các sản phẩm nông nghiệp. Tranh thủ sự tài trợ, hỗ trợ về tài chính và cơ sở vật chất của các tổ chức, cá nhân, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Phạm Thành Trăm-PCT Liên minh HTX