Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nhà nông cần biết

Xem với cỡ chữAA

Nông dân trồng tiêu gặp khó

(14:36 | 14/03/2023)

Nhiều vùng trồng tiêu trong tỉnh đang thu hoạch tiêu niên vụ 2023. Tuy nhiên, không khí tại các vườn tiêu khá ảm đạm vì tiêu mất mùa, mất giá khiến nông dân lời rất ít, thậm chí có nơi thua lỗ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Út, ngụ ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa (Giồng Riềng) đang thu hoạch 700 nọc tiêu 8 năm tuổi. Giá tiêu nhiều năm gần đây lao dốc và giữ ở mức thấp khiến gia đình bà Út thua lỗ. “Mới đầu vụ thu hoạch giá tiêu đã giảm còn 65.000 đồng/kg, giảm hơn 20 ngàn đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái. Thấy tiêu rớt giá, tôi không dám thuê nhân công mà tự trèo thang hái, hy vọng kiếm được ít tiền bù lại chi phí phân bón tăng giá liên tục”, bà Út nói.

Thời điểm này, nhiều vùng trồng tiêu trên địa bàn huyện Giồng Riềng đang vào vụ thu hoạch rộ. Theo đồng chí Lê Văn Chi - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, hiện toàn huyện còn 160ha tiêu, giảm 40ha so năm 2020. Nguyên nhân giảm diện tích cây tiêu là do giá tiêu giảm, trong khi giá phân bón, nhân công ngày càng đắt đỏ. Không chỉ giảm về diện tích mà năng suất hồ tiêu hiện nay cũng giảm còn 1,8-2 tấn/ha. Theo nông dân trồng tiêu trong tỉnh, do vài năm trở lại đây, giá tiêu giảm mạnh, nông dân trồng tiêu liên tục gặp cảnh thua lỗ nên không có điều kiện đầu tư chăm sóc vườn tiêu. Đây là nguyên nhân khiến năng suất bình quân của cây tiêu hiện chỉ đạt từ 1,8-2 tấn/ha/năm, giảm gần một nửa so với mức năng suất cao của cây trồng này.

 

Ảnh: Ông Trần Văn Hồng, ngụ ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa (Giồng Riềng) tuốt tiêu bằng máy trước khi phơi khô.

 

Ông Nguyễn Văn Màu - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Phú Hòa, xã Ngọc Hòa cho biết, hiện giá hồ tiêu tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2022, từ 60.000 đồng/kg lên 68.000-70.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp khiến nông dân trồng tiêu khó có lợi nhuận. Mặc dù từng được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, được sấy bằng máy giúp kiểm soát độ ẩm hạt tiêu, được hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nhưng người dân trồng tiêu nơi đây khó vẫn hoàn khó vì doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Một thời, hồ tiêu được coi là cây trồng triển vọng vì giá cao gấp 3-4 lần hiện nay. Vì thế, nhiều nông dân trong tỉnh đã đầu tư những vườn chuyên canh hồ tiêu và đẩy năng suất lên 3-3,5 tấn/ha/năm. Tuy giá hạt tiêu hiện đang giảm sâu nhưng nhiều nông dân vẫn phải bán hàng ra để có tiền thanh toán công thợ, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc lại vườn tiêu sau vụ thu hoạch.

 

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Út, ngụ ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa (Giồng Riềng) thu hoạch tiêu.

 

Theo phản ánh của nhiều người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh, gần đây, tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm ngày càng nhiều và đang có xu hướng lan rộng. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh này, khiến nhiều vườn tiêu chết rụi, một số nông dân gần như mất trắng. Ông Trần Văn Hồng, ngụ ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa cho biết: “Tôi trồng 900 nọc tiêu, mới có mấy năm mà tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm còn 700 nọc. Gia đình cũng thử qua nhiều loại thuốc, nhờ chuyên gia tư vấn nhưng cũng đành bó tay. Nhìn tiêu chết dần từng ngày mà như ngồi trên đống lửa”.

Được mùa, trúng giá, nhiều nông dân trồng tiêu trong tỉnh từng có lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng/ha/năm là chuyện của những năm trước. 5 năm trở lại đây, thời tiết thất thường, năng suất hồ tiêu giảm mạnh. Cùng với đó, giá hồ tiêu liên tục lao dốc khiến người trồng tiêu gặp khó khăn buộc phải chuyển đổi dần diện tích. Nhiều nhà vườn tại hai huyện Gò Quao, Giồng Riềng đã chuyển đổi dần diện tích tiêu sang trồng mít, sầu riêng.

Ông Phan Văn Khang, ngụ ấp Vĩnh Hòa 2, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao) cho biết: “Giá tiêu giảm liên tục, có lúc chỉ còn 42.000 đồng/kg khiến gia đình thua lỗ. Vườn 2ha với 5.000 nọc tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm chỉ còn 300 nọc. Tính cả chi phí cải tạo đất, mua giống, đầu tư trồng tràm làm nọc tiêu, phân bón, tính ra lỗ gần 2 tỷ đồng”.

An Lâm-Báo Kiên Giang