Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nhà nông cần biết

Xem với cỡ chữAA

BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG HẠN MẶN TRÊN LÚA

(14:50 | 23/03/2022)

Năm 2021-2022, tình hình dự báo lượng mưa ít, nước mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu hơn cùng kỳ nhiều năm trước, mặc dù Hội Nông dân xã Vĩnh Hoà đã phối hợp cùng với các ngành đã tuyên truyền vận động, khuyến cáo người dân không gieo sạ lúa vụ 3 trên nền lúa Đông Xuân đã thu hoạch sớm, nhưng một số bà con nông dân đã chủ quan, nên vẫn tiếp tục gieo xạ lúa vụ 3 với tổng diện tích 490ha.

Qua khảo sát thực tế, diện tích gieo xạ lúa vụ 3 đến ngày 25/02/2022, lúa đang trong giai đoạn từ 65-75 ngày tuổi. Trong đó có 30% lúa trong giai đoạn trổ chín; 50% lúa trong giai đoạn trổ lẹt xẹt và 20% lúa trong giai đoạn làm đồng. Hiện nay, mực nước trên ruộng đã khô, cây lúa có triệu chứng thiếu nước, lá bị cháy khô. Nước ở dưới các tuyến kênh có độ mặn từ 4 - 6% không thể bơm nước vào ruộng được, khả năng thiệt hại là rất cao.

Từ đó, Hội Nông dân xã đã đề nghị các ngành chuyên môn tổ chức Hội thảo, tập huấn về các biện pháp phòng chống hạn mặn trên cây lúa nhằm giúp giảm mức độ thiệt hại cho bà con nông dân. Ngày 25/02/2022, Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa đã phối hợp cùng với Tổ Kinh tế kỹ thuật và Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng tổ chức tập huấn về các biện pháp phòng chống hạn mặn trên lúa, tại 03 ấp Vĩnh Thạnh, Cây Bàng và Hòa Bình với hơn 55 bà con nông dân tham dự.

Tại buổi tập huấn đã hướng dẫn và đưa ra nhiều giải pháp hiện nay nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất bằng cách sử dụng phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng nhằm giúp cây lúa kéo dài thời gian chống chịu với hạn mặn, bông lúa được trổ thoát và vô gạo nhanh hơn với các sản phẩm như: Nyro, Comcat, Plasti Mula, Super Humic, Kali Tan (KNO3), Laca soto, Agro 111... ngoài việc sử dụng các sản phẩn trên còn khuyến cáo bà con nên tận dụng nước ngọt trong ao, đìa để tưới nhằm duy trì bộ rễ cho cây lúa, nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại cho bà con nông dân của xã.

Văn Vô-HND Vĩnh Hòa (UMT)