Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Kiên Lương hoàn tất thủ tục xin cấp nhãn hiệu tập thể sản phẩm hồ tiêu

(09:40 | 06/05/2020)

 

Theo Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, hồ tiêu là một trong 2 sản phẩm của huyện đã được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương hoàn tất các thủ tục gửi Cục Sở hữu trí tuệ xét công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2019.

 

Đến thăm các vườn tiêu của nông dân trên địa bàn xã Bình An (Kiên Lương), trong cái nắng trưa, hình ảnh đầu tiên bắt gặp là những trụ hồ tiêu trồng trên từng khoảnh đất theo từng bậc được kè đá cao khoảng 1-1,5m trên núi xanh vươn mình đón nắng và gió. Hồ tiêu được biết đến là cây trồng truyền thống trên địa bàn hai xã Dương Hòa và Bình An (Kiên Lương), với tổng diện tích gần 50ha của trên 20 hộ dân tham gia trồng.

Chia sẻ về việc phát triển vườn hồ tiêu của gia đình, ông Phù Quốc Thanh, ngụ ấp Ba Trại, xã Bình An cho biết: “Trồng tiêu là nghề gia truyền không chỉ của riêng gia đình mà còn của nhiều hộ khác ở Bình An. Năm 1995, gia đình ông cải tạo khu đất trên núi và trồng mới tiêu, đến năm 1997 tiêu cho thu hoạch và phát triển đến nay”. Theo ông Phù Quốc Thanh, cây hồ tiêu phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất Kiên Lương, nhất là xã Bình An và Dương Hòa có núi với đặc điểm là đất sỏi. Nhiều cây hồ tiêu ở Bình An và Dương Hòa có tuổi đời từ 30 - 50 năm. Hồ tiêu thường được thu hoạch sau Tết Nguyên đán, sau đó, người trồng hồ tiêu Kiên Luong chỉ cần làm lại vườn, vun xới cho đất tơi xốp rồi bón phân trước khi đón những cơn mưa đầu mùa vào khoảng tháng 3, tháng 4 là công việc chăm sóc gần như hoàn tất.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, vài năm trở lại đây, nông dân trồng tiêu ở Kiên Lương gặp khó khăn trong việc chăm sóc, nhất là nguồn nước tưới. “Mấy năm gần đây nắng nóng kéo dài, có khi chúng tôi phải gánh nước ngọt từ dưới nhà lên núi tưới cho tiêu. Do đó, sản lượng hàng năm bấp bênh, thiếu ổn định”, ông Phù Quốc Thanh cho biết.

 Ảnh: Ông Phù Quốc Thanh, ngụ ấp Ba Trại, xã Bình An (Kiên Lương) thăm vườn tiêu vừa cho trái non của gia đình.

Là một trong những người trồng tiêu lâu năm tại ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, ông Danh Sang cho biết: “Thông thường, gia đình thu 1,2 - 1,3 kg/trụ. Với 400 trụ hồ tiêu, mỗi năm gia đình ông Danh Sang thu gần một tấn tiêu”. Tương tự, gia đình ông Dương Văn Bé, ngụ ấp Ba Trại, xã Bình An có ba đời trồng hồ tiêu và hiện có hơn 1.000 trụ tiêu. Hằng năm, vườn tiêu của ông Dương Văn Bé cho hơn 2 tấn tiêu, ông Bé cho biết: “Hiện, chúng tôi chủ yếu bán tiêu đen, tiêu chín với giá từ 65.000 - 120.000 đồng/kg. Tiêu Kiên Lương bé hạt so với hồ tiêu trồng ở các vùng khác nhưng do điều kiện canh tác trên núi cao. Tuy nhiên, do được trồng ở vùng núi cao nên hồ tiêu Kiên Lương có hương vị đặc biệt, thơm, cay nồng đặc trưng”.

Theo đa số nông dân trồng tiêu huyện Kiên Lương, sản phẩm hồ tiêu tại đây chỉ mới bán được cho người dân trong huyện và một số huyện lân cận, đầu ra không ổn định. Đó là trở ngại lớn nhất của việc phát triển cây tiêu của huyện. Đồng chí Nguyễn Huỳnh Hải Hưng - Cán bộ Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, cho biết: “Xác định Hồ Tiêu là một trong những sản phẩm đặc trưng và tiềm năng của huyện, năm 2019, Phòng Kinh tế huyện đã đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện cá thủ tục xác nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay, các thủ tục cơ bản hoàn tất. Hiện chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ gửi về Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể”.

Hy vọng, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, nông dân và ngành chuyên môn tỉnh, hồ tiêu huyện Kiên Lương sớm được công nhận nhãn hiệu tập thể, góp phần quảng bá thương hiệu hồ tiêu Kiên Lương, giúp người dân có thị trường tiêu thụ ổn định và phát triển bền vững cây trồng đặc trưng của địa phương.

THANH TUẤN-HND KIÊN LƯƠNG