Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Liên kết làm lúa thảo dược

(13:34 | 08/04/2020)

 

Với những đặc tính nổi bật như hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất vi lượng, vitamin tốt cho sức khỏe, lúa tím và lúa đỏ đang cho thấy tiềm năng trong sản xuất, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường gạo giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe người dùng.

 

Đông xuân 2019 - 2020 là vụ thứ hai ông Phạm Văn Huỳnh, ngụ ấp Kênh 5B, xã Tân An (Tân Hiệp) liên kết với Công ty Lotus Group sản xuất 5ha lúa đỏ. Ông Huỳnh cho biết: “Trước đây tôi canh tác lúa 3 vụ, nhưng vụ hè thu và thu đông lãi rất ít, có vụ còn lỗ. Được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vận động chuyển đổi sang trồng lúa đỏ dược liệu, vụ đầu tiên tôi lãi 2 triệu đồng/công, chi phí rất thấp vì canh tác theo quy trình an toàn, giống lúa đỏ lại kháng bệnh rất tốt”. Thực tế cho thấy, việc nông dân chuyển đổi từ lúa thường sang canh tác lúa dược liệu thu lợi nhuận cao sẽ là bước đệm định hình được vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng an toàn gắn với xây dựng hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo.

Với sự hỗ trợ từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp về tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, quy trình sản xuất lúa đỏ theo hướng sạch, hiện toàn huyện Tân Hiệp có 20ha lúa đỏ được bà con trồng theo hướng an toàn, tăng 5ha so vụ trước. Toàn bộ diện tích trên đã được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với giá 7.300 đồng/kg lúa tươi.

Ở huyện Giồng Riềng, ông Nguyễn Văn Nguyên (59 tuổi), ngụ ấp Cây Bàng, xã Long Thạnh là người đi tiên phong trong sản xuất lúa dược liệu. Gần đây, giống lúa tím được ông sản xuất theo hướng an toàn mở ra cơ hội mới trong canh tác lúa. Ông Nguyên nói: “Bà con hỏi mua gạo tím hoài nhưng giờ đâu còn để bán”. Để có sản phẩm sạch theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, trong quá trình canh tác, ông Nguyên sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học, bởi như ông cho biết “Phải đột phá thì mới mong khá lên được, đó là lý do tôi quyết tâm theo đuổi mô hình lúa tím. Giống mới, giá trị kinh tế cao, khi thành công sẽ tạo đột phá giúp bà con nông dân sống được với mảnh ruộng của mình”.

Vụ hè thu 2019, thấy giống lúa mới có tiềm năng, ông Nguyên quyết định mua lúa về làm giống để trồng trên 20 công ruộng của gia đình. Cơ hội càng mở ra khi có công ty đứng ra hỗ trợ vật tư và hợp đồng mua lại với giá 6.500 đồng/kg lúa. “Vụ vừa rồi năng suất chỉ đạt khoảng 4,6 tấn/ha, nhưng lãi 2 triệu đồng/công nhờ lúa ít sâu bệnh, nhẹ chi phí. Tôi nghĩ nếu sản xuất theo hướng an toàn thì gạo tím nhất định sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Từ đó, tôi quyết tâm theo đuổi và vận động bà con xung quanh cùng làm theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Điền Tín (TP. Rạch Giá)”- ông Nguyên nói.

 Anh Nguyễn Văn Bọp, nông dân vừa thử nghiệm trồng lúa tím thành công ở ấp Cây Bàng, xã Long Thạnh, cho biết: “Trồng lúa tím theo hướng sạch chi phí thấp hơn so với cách làm lúa truyền thống, lại bán được giá 6.500 đồng, cao hơn giá lúa khô thông thường thì ngại gì không làm. Quan trọng hơn là sản phẩm đảm bảo sức khỏe cho người trồng và người dùng nên tôi quyết tâm làm”.

Mô hình trồng lúa tím và lúa đỏ đang được Công ty Cổ phần Điền Tín triển khai tại hai huyện Hòn Đất, Giồng Riềng. Theo ông Ngô Thành Khuyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Điền Tín, hiện công ty có hai sản phẩm gạo thảo dược gồm gạo đỏ, gạo tím, có khả năng đáp ứng 3.000-5.000 tấn/năm. Toàn bộ sản phẩm gạo dược liệu của công ty được quản lý theo chuỗi khép kín từ khâu giống, canh tác, thu mua, xay sát, chế biến, đóng gói có truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm được thị trường đón nhận rất khả quan. Tuy nhiên, theo ông Khuyên, đây là giống lúa mới, nông dân không nên tự ý canh tác khi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

AN LÂM – PV BÁO KIÊN GIANG