Năm 2014, một con rắn hổ đất to bất ngờ xuất hiện trước nhà. Vốn biết cách bắt rắn nên ông Ba Hiểu dùng tấm vải lau nhà bắt gọn con rắn. Thấy con rắn khỏe mạnh, ông bắt nhái cho ăn rồi quyết định nuôi. Càng nuôi thấy càng mê, ông lần dò tìm hiểu trên mạng internet những nơi chuyên nuôi rắn hổ. Ông khăn gói đi Bình Dương với 3 triệu đồng dành dụm để tìm mua thêm 10 con rắn hổ đất nữa để gầy đàn. Một năm sau đó, con rắn đầu tiên đến nhà ông đã đẻ được lứa đầu với 43 trứng, sau khi ấp nở được 40 con giúp ông thu về 8 triệu đồng. Cứ thế lần lượt những lứa rắn nối tiếp nhau.
Dắt chúng tôi tham quan trại rắn, ông Ba Hiểu mở nắp khoang chuồng, con rắn hổ đất chừng 5kg với da đen xì ngóc đầu phùng bàn nạo làm ai cũng khiếp vía. Chuồng rắn được xây xung quanh bằng xi măng, có kệ để rắn nằm, có nước để rắn tắm giải nhiệt, dưới nền trải một lớp đất khô tạo môi trường tốt nhất cho rắn sinh trưởng. Thức ăn chính nuôi rắn là chuột, ngoài ra còn có cóc, nhái, cá rô phi. Với đàn rắn hiện tại, số lượng thức ăn mỗi ngày cần 20kg. Từ những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, hiện ông Ba Hiểu nắm khá vững kỹ thuật cho rắn sinh sản cũng như kỹ thuật ấp trứng bằng cát ẩm với tỷ lệ thành công trên 90%. Theo ông, rắn nở được một tuần sẽ tự lột da và ăn mồi. Rắn hổ đất từ một năm tuổi nặng chừng 1,2kg và bắt đầu sinh sản.
Ảnh: Ông Nguyễn Văn Hiểu (bìa phải) dẫn đoàn tham quan của Hội Nông dân huyện
An Minh thăm trại rắn hổ của mình tại ấp Ngọc Thành, xã Vân Khánh Đông (An Minh)
Ngoài rắn hổ đất, ông Ba Hiểu còn nuôi rắn hổ hèo, hổ hành, hổ ngựa. Năm 2018, ông vừa xuất chuồng bán hơn 200 con rắn hổ đất giống, thu về 40 triệu đồng. 5 năm nuôi rắn, trên người ông không thiếu những vết sẹo do rắn cắn để lại. “Rắn hổ cắn mà không biết cách sơ cứu thì chẳng thầy nào cứu được vì nọc độc phát tán rất nhanh. Nhưng nếu biết cách sơ cứu, trị đúng thuốc thì cũng chữa được”, ông Ba Hiểu nói. 3 năm trước, trong một lần thăm chuồng rắn, ông Ba Hiểu bị rắn hổ cắn vào tay. Tự mình sơ cấp cứu, nặn máu, buộc lại cánh tay, sau đó, ông chạy qua nhà hàng xóm xin trái đu đủ xanh lấy mủ đắp vết thương, thịt trái đu đủ thì xay nhuyễn uống để thải độc rắn. Rốt cuộc, ông Ba Hiểu cũng tự cứu sống mình bằng bài thuốc dân gian đó. Sau lần ấy, trong trại rắn của ông Ba Hiểu lúc nào cũng có một tủ thuốc với đầy đủ dụng cụ sơ cứu người khi bị rắn cắn. Sau vườn lúc nào ông cũng trồng sẵn một cây đu đủ, loài cây được dùng để trị rắn cắn.
Sở hữu đàn rắn cả thảy 250 con rắn hổ đất trọng lượng từ 1,2 đến 5kg/con và 230 con rắn trọng lượng dưới 1kg/con, trong đó có 60 con đang thời kỳ sinh sản, ông Ba Hiểu cho biết ông không nuôi bán lấy thịt, tâm huyết của ông là nuôi để phục vụ bào chế dược liệu từ nọc độc của rắn. Đơn đặt hàng 800 con rắn hổ đất đã có, nhiệm vụ của ông hiện giờ là tìm cách nhân đàn để đạt số lượng theo yêu cầu. Do rắn hổ đất ít người nuôi nên giá thị trường đối với loài rắn này khá cao, dao động từ 1 triệu đồng/kg loại 5kg/con và 800 ngàn đồng/kg loại từ 1-2kg/con.