Cơ sở CBPL Lan Kiệt hoạt động liên tục 24/24 giờ. Nguyên liệu đầu vào là bao cũ, lưới cào, dây bô của các tàu biển đã qua sử dụng. Sau khi bao cũ, lưới cào, dây bô được phân loại sẽ được cho vào máy băm nhuyễn và nấu chảy ở nhiệt độ trên 1.0000C. Nhựa nấu chảy sau khi được kéo thành sợi sẽ được đưa qua hệ thống cuộn thành bánh chỉ thành phẩm. Cơ sở CBPL của anh Kiệt có một máy băm, một lò nấu nhựa, hệ thống máy kéo sợi chỉ và 14 máy tạo bánh chỉ lưới thành phẩm, tất cả đều vận hành bằng điện.
Anh Kiệt bắt đầu nghề thu mua, CBPL từ cha vợ cách nay 40 năm. Sau khi về ở rể, anh Kiệt phụ giúp gia đình rồi gắn bó với nghề từ đó. Năm 1998, vợ chồng anh ra làm ăn riêng nhưng vẫn chọn nghề thu mua, CBPL làm kế sinh nhai, song chủ yếu là nấu phế liệu thành nhựa rồi bán thô cho các vựa. Nhận thấy nhu cầu sử dụng lưới làm nhà che mát cây trồng, làm vèo nuôi cá… đang ngày càng tăng, năm 2015, anh Kiệt quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất sợi chỉ nhựa thành phẩm trị giá hàng tỷ đồng. Từ đó, cơ sở CBPL Lan Kiệt mang một luồng gió mới về cho ấp vùng sâu Kênh 9B khi giúp từ 30-40 lao động địa phương có việc làm ổn định.
Cẩn thận trong từng khâu sản xuất, tuy những người thợ làm việc nơi đây đều lành nghề, nhưng anh Kiệt vẫn đi lại đo đạc sợi chỉ coi độ dai, độ bóng có đạt yêu cầu chưa để khách hàng khỏi phiền lòng. Hỏi bí quyết để giữ chân khách hàng, anh Kiệt nói: “Có bí quyết gì đâu, chỉ cố gắng làm sao tạo ra sản phẩm chất lượng. Nào giờ cơ sở Lan Kiệt vẫn luôn lấy chữ tín làm đầu. Mình làm không đúng chất lượng, khách hàng sẽ bỏ mình thì làm sao trụ được”.
20 năm gắn bó với nghề tận dụng những thứ người khác bỏ đi để chế biến ra sản phẩm hữu ích cho cộng đồng, anh Kiệt bảo: “Nghề này ăn vô máu rồi, chắc đeo làm hoài. Bữa nào cúp điện, không nghe tiếng máy móc ở xưởng chạy là buồn dữ lắm”. Nói về những thăng trầm, anh Kiệt kể có những năm thị trường lưới nhựa gặp khó, cơ sở của anh lao đao vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nghĩ tới hàng chục lao động không có việc làm, vợ chồng anh quyết định vẫn duy trì sản xuất cầm chừng, từng bước vượt qua khó khăn. Hiện cơ sở Lan Kiệt cung ứng đều đặn cho các nhà sản xuất lưới tại TP. Hồ Chí Minh hơn 50 tấn chỉ nhựa/tháng. Anh Kiệt bảo đã đặt mua thêm 1 hệ thống máy kéo chỉ nữa, khi máy vận hành sẽ giải quyết việc làm cho thêm 15 lao động nữa.
Giải quyết việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập từ 3-10 triệu đồng/tháng tùy công việc, một mức thu nhập không dễ có được tại một cơ sở sản xuất ở một xã vùng sâu như Thạnh Đông, anh Kiệt còn cất dãy nhà ở cho 14 công nhân ngoài tỉnh ở miễn phí. 3 năm trước, anh Trương Văn Tiến, 25 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng quyết định xin vào làm công nhân cho cơ sở CBPL Lan Kiệt sau lần về ấp Kênh 9B thăm người bà con. Anh Tiến nói: “Vợ chồng anh Kiệt đối đãi với người làm rất tình cảm, xem như con cháu trong nhà, bệnh hoạn vợ chồng ảnh cũng lo. Tôi làm 3 năm, công việc ổn định, thu nhập của vợ chồng tôi 16 triệu đồng/tháng. Việc làm ổn định, lại được anh Kiệt cho ở nhà miễn phí nên làm có dư, con tôi cũng chuyển trường về đây để học vì vợ chồng tôi quyết định ở lại đây gắn bó lâu dài”. Đang cùng 6 chị em khác phân loại bao phế liệu trước sân cơ sở CBPL Lan Kiệt, chị Lê Thị Kiều, ngụ ấp Kênh 9B, cho biết: “Công việc của tôi là lựa và phân loại bao, lưới cũ. Có cơ sở CBPL của anh Kiệt nên vợ chồng tôi kiếm được 9 triệu đồng/tháng, khỏi phải đi xa xứ làm công nhân như nhiều người trong xóm mà sống vẫn khỏe, con cái được học hành đàng hoàng”. Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hiệp, sản phẩm sợi chỉ nhựa của cơ sở CBPL Lan Kiệt đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2017.
Ảnh: Anh Trần Quốc Kiệt đang theo dõi quy trình sản xuất chỉ nhựa tại cơ sở chế biến phế liệu Lan Kiệt, ấp Kênh 9B, xã Thạnh Đông (Tân Hiệp).