Không chỉ có lý thuyết, chương trình giảng dạy lớp nghề do Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh tổ chức còn chú trọng thực hành theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Anh Quỳnh Quốc Thái, học viên lớp học nghề chăm sóc trồng hoa kiểng tại xã Giục Tượng (Châu Thành) cho biết: “Từng học viên đưa cây ở nhà lên lớp để giảng viên chỉ ra những chỗ cần rút kinh nghiệm trong cách bón phân, tỉa cành, tạo dáng cho cây. Nhiều khi hết giờ mà mọi người vẫn say sưa nghe giảng, ghi chép”. Còn ông Đặng Văn Cường, ngụ ấp Tân Điền, xã Giục Tượng thì nói: “Qua lớp học này, tôi vừa vui vừa buồn. Buồn vì nhận ra, trước giờ đã làm hư nhiều gốc mai giá trị mà không hay. Vui vì mình học được nhiều kỹ thuật mới để chăm sóc vườn mai bài bản hơn. Có thể nói qua lớp học này, giảng viên đã giúp nhà vườn biến cây củi thành cây kiểng giá trị”.
Ảnh: Trao chứng chỉ đào tạo nghề Kỹ thuật trồng hoa kiểng xã Giục Tượng (Châu Thành).
Không chỉ có học viên chuyên cần, đội ngũ giảng viên cũng là những người có tâm huyết, không ngại đường xa vất vả để đến với người dân vùng sâu, vùng xa truyền đạt nhiều kiến thức khoa học - kỹ thuật. Nhà ở huyện Giồng Riềng, để đến lớp dạy nghề nuôi tôm kết hợp trồng lúa tại xã Hưng Yên (An Biên), mỗi ngày, anh Trần Quốc Tam, giảng viên Khoa Nông nghiệp - Nuôi trồng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh phải vượt quãng đường xa hơn 30 km. Đều đặn suốt 24 ngày tham gia dạy nghề, lớp học vừa kết thúc cũng là lúc đồng hồ điểm 20 giờ. “Thấy bà con ham học nên tôi cũng không ngại đường xa. Lớp có 35 học viên, phần đông là đồng bào dân tộc Khmer. Khi mở lớp cũng phải dời thời gian học mấy lần vì bà con đang vào vụ lúa nên khá bận. Cuối cùng thống nhất học vào ban đêm để bà con có thời gian rảnh”, anh Tam nói.
Ảnh: Trao chứng chỉ đào tạo nghề Kỹ thuật trồng nấm rơm, nấm bào ngư, linh chi xã Lại Sơn (Kiên Hải).
Năm 2022, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố trong tỉnh mở 34 lớp dạy nghề nông nghiệp với 1.041 hội viên, nông dân tham gia. Hầu hết nội dung học nghề đều cho hội viên, nông dân lựa chọn và đăng ký nhu cầu thông qua Hội Nông dân cấp cơ sở như trồng rau mầm an toàn, hoa kiểng, nuôi tôm - lúa, nuôi lươn, ếch, trồng nấm…