Tham gia hội nghị có ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện Kiên Lương, thành phố Hà Tiên; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường thuộc huyện Kiên Lương và thành phố Hà Tiên cùng các địa phương được chọn triển khai thí điểm mô hình.
Việc triển khai thí điểm phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi cấp xã được triển khai thực hiện ngày 3/7/2019 khi Kiên Giang công bố dịch, chuyển sang tình huống 2, thời điểm toàn tỉnh có 13/15 huyện bị dịch tả lợn Châu Phi tại 58 xã, 156 ấp, 336 hộ. Để ứng phó và làm hạn chế dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tiếp tục lây lan, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi tỉnh đã tiến hành thực hiện thí điểm mô hình phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi cấp xã, trong đó xã Bình An, huyện Kiên Lương và phường Tô Châu, thành phố Hà Tiên là 2 địa phương chọn thực hiện mô hình này. Khi đó, tại huyện Kiên Lương có 2 xã xuất hiện 27 ổ dịch, xã Bình An là 21 ổ, tiêu hủy 183 con. Đối với phường Tô Châu, thành phố Hà Tiên thời điểm này chưa xảy ra dịch bệnh.
Trong quá trình tiến hành thí điểm thực hiện mô hình, Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh đã lập các tổ chuyên môn, cử cán bộ bám sát địa bàn suốt quá trình thí điểm, phối hợp, hướng dẫn ban chỉ đạo địa phương lập kế hoạch chi tiết, nguồn lực chủ yếu tại địa phương. Đồng thời, tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi và ban chỉ đạo xã, phường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương. Ngoài ra, lập các tổ phun thuốc sát trùng bằng Benkocid 2 đến 3 lần/tuần trực tiếp tại khu chăn nuôi, lò giết mổ, kệ, sạp bán thịt heo, các bến tàu...tiến hành công tác kiểm tra, kiểm sát giết mổ, hố tiêu hủy, trình tự ra quyết định và thủ tục hỗ trợ thiệt hại.
Qua thời gian triển khai thí điểm thực hiện mô hình đến nay phường Tô Châu, thành phố Hà Tiên không phát sinh ổ dịch, tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định. Riêng đối với xã Bình An, huyện Kiên Lương trước khi vệ sinh tiêu độc theo kế hoạch thí điểm xảy ra 29 ổ dịch tại 7/7 ấp, tiêu hủy 232 con với hơn 10 ngàn 500 kg. Sau khi vệ sinh tiêu độc đến ngày 14/8, phát sinh thêm 5 ổ dịch tại các hộ thả lan, với 15 con với 979 kg tiêu hủy. Giảm 24 ổ dịch, 217 con và giảm trên 9 ngàn 600 kg phải xử lý do dịch tả lợn châu Phi.
Với những kết quả đạt được sau triển khai thí điểm mô, được các địa phương đánh giá khá cao, công tác phòng, chống dịch được triển khai thực hiện khá hiệu quả, nhận thức của người dân và các hộ chăn nuôi được nâng lên. Các giải pháp kỹ thuật biện pháp thực hiện phù hợp tình hình thực tiễn. Đặc biệt là công tác tập huấn, truyền thông và vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Ngoài ra, ban chỉ đạo các xã, phường đã nắm bắt được quy trình, biện pháp tổ chức triển khai các giải pháp trong tình huống 2 đặt ra. Các địa phương triển khai thí điểm mô hình đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh cần tiếp tục duy trì thực hiện mô hình này, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Phát biểu kết luận tại hội nghị ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tỉnh cho biết, qua 1 tháng triển khai thực hiện mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực. Tại hội nghị Ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất với đề xuất, kiến nghị của các địa phương duy trì thực hiện mô hình này, đồng thời xem xét nhân rộng tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Đề nghị các địa phương cần quan tâm cùng tiếp tục triển khai thực hiện với tỉnh. Trong đó, các địa phương nơi thực hiện mô hình tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian tới, ông Quảng Trọng Thao đề nghị các địa phương lưu ý đến vấn đề tái đàn tại những nơi đảm bảo đủ các điều kiện về an toàn sinh học cũng như an toàn dịch bệnh.