Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phục vụ tiêu dùng địa phương, sau hơn 5 năm, đến nay, mặt hàng chả lụa, nem chua của Cơ sở chả lụa Tâm Đan chiếm thị phần khá lớn tại thị trấn Tân Hiệp và có mặt tại nhiều tỉnh, thành lân cận. Lý giải vì sao chọn sản xuất nem, chả lụa, anh Đỗ Hoàng Tuấn (43 tuổi), chủ Cơ sở chả lụa Tâm Đan, cho biết: “Chả lụa là mặt hàng tiêu thụ mạnh tại Tân Hiệp bởi người dân quen sử dụng trong bữa ăn. Đây cũng là nghề gia truyền nên vợ chồng tôi quyết định chọn nghề này để khởi nghiệp”. Hiện sản lượng của Cơ sở chả lụa Tâm Đan khoảng 100kg/ngày.
Để giữ chất lượng sản phẩm, Cơ sở chả lụa Tâm Đan không sản xuất trữ hàng đông mà chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng nên làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu trong ngày. Dậy từ 2 giờ sáng, anh Tuấn và vợ là chị chị Phạm Thị Thúy Vy là người trực tiếp chọn mua thịt heo. Sau 4 giờ sơ chế, tẩm ướp gia vị, đưa vào lò điện hấp chín, những mẻ chả lụa, giò thủ vừa ra lò nóng hổi, thơm phức sẽ được đóng gói và đưa đi tiêu thụ. Anh Tuấn cho biết: “Làm chả lụa phải kỹ từ khâu chọn thịt heo, phải là loại thịt tươi còn nóng ấm, khi ấn tay vào thịt có độ đàn hồi và bám dính tốt. Nước mắm ướp thịt làm chả lụa phải là loại nước mắm ngon, độ đạm cao, thơm và có độ sánh thì mới có được những khoanh giò tròn, đều, dậy mùi thịt pha lẫn các loại gia vị thơm nồng”. Có lẽ nhờ nhọc công lựa chọn như vậy nên không cần thêm bất kỳ phụ gia, chất tạo độ dai nào mà cây chả lụa Tâm Đan vẫn dai, mịn và an toàn cho người dùng. Tiếng lành đồn xa, chả lụa Tâm Đan dần được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Ngoài chả lụa, Tâm Đan còn có chả bò, chả giò thủ, nem nướng, nem chua được người tiêu dùng đánh giá cao. Nhờ giữ chữ tín, đặt chất lượng lên hàng đầu nên chả lụa Tâm Đan tạo nên thương hiệu và được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2019.
Ảnh: Đồng chí Huỳnh Thị Lệ Châu (bìa phải) – Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tân Hiệp trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019 cho chị Phạm Thị Thúy Vy, chủ cơ sở sản xuất chả lụa Tâm Đan.
Sản phẩm kem và sữa chua Tin Tin của anh Hà Nhật Tân (sinh năm 1981), ngụ 118 ấp Đông Phước, xã Thạnh Đông A cũng là sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu huyện Tân Hiệp năm 2019. Tập trung khai thác phân khúc bình dân, sản phẩm kem, sữa chua Tin Tin đến tay người dùng với giá 2.000 đồng/sản phẩm. “Do người dùng sữa chua, kem của Tin Tin thường là trẻ em từ 6 đến 15 tuổi nên vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Để có sản phẩm giá 2.000 đồng đòi hỏi chi phí đầu vào phải được tiết kiệm tối đa nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng sản phẩm”. Để hạ giá thành sản xuất, ngoài khai thác tối đa công suất sản xuất của hệ thống máy móc, anh Tân liên kết với các công ty có thương hiệu để cung ứng nguyên liệu với số lượng lớn để được giá ưu đãi. Khâu pha chế nguyên liệu trong quá trình sản xuất đều do vợ chồng anh Tân phụ trách nên tiết kiệm chi phí thuê nhân công.
Từng làm đại lý bán lẻ mặt hàng kem que, anh Tân quyết định cùng vợ khởi nghiệp với nghề làm kem que và sữa chua. Từ nhỏ lẻ, bán chỉ vài chục ký kem/ngày cách nay 9 năm, hiện mỗi ngày cơ sở kem, sữa chua mang thương hiệu Tin Tin cung ứng ra thị trường hơn 3 tấn kem, sữa chua. Kem que được sản xuất với nhiều hương vị từ nguyên liệu tự nhiên như chuối, đậu xanh, sô cô la… Sản phẩm sữa chua cũng không kém phần hấp dẫn bởi vị chua nhẹ, ngọt vừa phải, được sản xuất theo quy trình lên men tự nhiên. Trong gian nhà thơm nức mùi kem, mùi sữa chua đang được khá đông công nhân chiết xuất, đóng gói, vợ chồng anh Tân không giấu đươc niềm vui cho biết hiện đang đầu tư thêm máy móc, mua thêm đất tại xã Mong Thọ (Châu Thành) và trong nay mai xưởng sản xuất kem, sữa chua Tin Tin quy mô sản xuất 2.000m2 sẽ được hình thành.