Đưa chúng tôi tham quan dây chuyền tráng bánh ướt tự động của gia đình, ông Nguyễn Xuân Vẻ từ tốn giải thích về quy trình tráng bánh tự động. Bột bánh sẽ được đổ vào nồi và chảy xuống một van nhỏ. Từ đây, bột sẽ chảy vào dây chuyền tráng bánh để bột bánh chín dần nhờ vào hơi nóng tòa ra từ nồi nước bên dưới. Ở cuối dây chuyền, bánh sẽ được tạo hình bằng dao cắt, sau đó sẽ được vợ chồng ông Vẻ sắp lại thành từng bánh và giao cho khách khi bánh còn nóng hổi. Ông Vẻ cho biết, máy tráng bánh này được đứa cháu của ông sáng chế thành công từ năm 2004. Từ máy tráng bánh đầu tiên này, ông Vẻ đã nâng được công suất làm bánh từ 100kg/ngày lên 300kg/ngày. Ngoài ra, ông còn giúp nhiều người cùng nghề như ông có được dây chuyền làm bánh ướt giúp rút ngắn thời gian, sản xuất với sản lượng nhiều hơn mà vẫn giữ nguyên được chất lượng bánh.
Hiện mỗi ngày, ông Vẻ cung ứng hơn 300kg bánh ướt cho các quán ăn, mối bán bún tại TP. Rạch Giá với giá dao động từ 9.000-11.000 đồng/kg. Bánh ướt là nguyên liệu chính để các nhà hàng, quán ăn dùng làm bánh cuốn với đậu xanh, nhân dừa ngọt hoặc ăn cùng các loại chả, nem. Đặc biệt, bánh ướt của ông Vẻ người ăn chay hay ăn mặn đều dùng được nên đầu ra luôn ổn định. Để có được những chiếc bánh ướt mỏng dai, ngon theo ông Vẻ, yếu tố hàng đầu là phải chọn được gạo để xay bột cho ngon đi cùng với bột chợ có thương hiệu uy tín trên thị trường. Để bánh có độ trắng và trong hấp dẫn người dùng mà không cần một loại phụ gia nào phụ thuộc nhiều vào tay nghề tẻ bột của người thợ.
Với 36 năm làm nghề bánh ướt, ông Vẻ tự hào vì đã gìn giữ và phát triển được nghề truyền thống của gia đình, có một chỗ đứng nhất định trên thị trường dù số cơ sở làm bánh ướt như ông ở TP. Rạch Giá không ít. “Thương hiệu phải gầy dựng cả đời mới có, được khách hàng tin tưởng ủng hộ nhiều năm là nhờ chất lượng bánh ổn định. Đó là động lực để tôi càng quyết tâm gìn giữ nghề của gia đình”, ông Vẻ bộc bạch.
Ảnh: Ông Nguyễn Xuân Vẻ bên dây chuyền sản xuất bánh tráng của gia đình.