Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Dân Vận Chính Quyền

Xem với cỡ chữAA

Thú vị tour khám phá rừng tràm An Minh

(10:05 | 01/04/2019)

        Mới được mở cách đây vài tháng nhưng tour khám phá rừng tràm ở tiểu khu 34, thuộc xã Đông Hưng B (An Minh) đã thu hút một số du khách trong và ngoài tỉnh. Chỉ với 1 ngày, du khách có những trải nghiệm thú vị với rừng tràm, với nhiều cách đánh bắt cá của người dân An Minh và nhất là tham gia khai thác mật ong - sản phẩm nổi tiếng của đất rừng U Minh.

       Từ TP. Rạch Giá đi khoảng 90 phút đến thị trấn Thứ Mười Một (An Minh), sau đó du khách di chuyển bằng xe máy đến tận bìa rừng tiểu khu 34, rồi được đón bằng vỏ lãi để vào rừng. Hai bên bờ kênh là những vạt tràm nước vươn mình thẳng tắp. Đây là khu vực rừng Nhà nước giao khoán, mỗi hộ dân được giao trung bình khoảng 4,8ha để trồng và khai thác nhằm mục tiêu gìn giữ hơn 1.300ha rừng phòng hộ môi sinh còn lại của huyện An Minh. Trên chiếc vỏ lãi đi sâu vào rừng, du khách cảm nhận không khí trong lành của đất rừng, ngắm nhìn trời đất mênh mông chạm vào dòng nước đỏ thẫm nổi tiếng của U Minh. Trong tiếng lá tràm xào xạc trong gió, tiếng chim hót líu lo, ai đó chợt bật lên câu hát: “Rừng U Minh lá tràm xanh mà nước đỏ…”.

Vào đến rừng, du khách có thể tham gia trải nghiệm cách bắt cá của người dân nơi đây bằng câu, lọp, lưới... Đang đi trên bờ bao, chợt mọi người ồ lên khi anh Lê Hoàng Kha, ngụ khu phố 2, thị trấn Thứ Mười Một (An Minh) giật được con cá thác lác khá to. Trong khi một số du khách say sưa trải nghiệm câu cá, anh Lê Chiêu Hùng, một người bạn đi cùng chúng tôi lại háo hức tìm hái rau rừng, từ đọt nhãn lồng, tam thất, đọt choại, rau muống đồng... Anh Lê Hoàng Nhân - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đông Hưng B, cho biết: “Những hộ nhận đất rừng giao khoán ở tiểu khu 34 sinh kế chủ yếu từ cây tràm, mỗi năm chỉ được khai thác 10%. Dù có thêm thu nhập từ gác kèo ong, trồng rau màu nhưng cuộc sống bà con nơi đây còn nhiều vất vả”. Nhận thấy có thể tận dụng những nét riêng của rừng tràm tiểu khu 34 để phát triển du lịch, anh Nhân vận động một số hộ dân tổ chức tour phục vụ khách du lịch với các hoạt động chính như bắt cá, “ăn ong”, lên thang trông ngắm toàn cảnh rừng, trải nghiệm nghề làm tranh vỏ tràm... Mục tiêu là làm sao tận dụng những cái có sẵn tại địa phương để giúp người dân cải thiện cuộc sống, từ đó an tâm giữ rừng.

Sau khi trải nghiệm bắt cá, du khách có thể tự tay làm món cá lóc nướng trui ăn với rau rừng. Đang đói mà thưởng thức món cá lóc nướng trui nóng hổi, thơm phức với nhiều loại rau rừng thì ngon phải biết. Những du khách thích mạo hiểm hơn có thể vào rừng ăn ong. Được len lỏi trong rừng tràm ngập nước quá gối, du khách theo chân người dân địa phương đến những kèo ong đủ tuổi để lấy mật. Ông Nguyễn Văn Đồng, người có thâm niên hơn chục năm trong nghề gác kèo ong dẫn chúng tôi theo một chuyến thực tế “ăn ong”. Theo lời ông Đồng, chọn địa điểm làm trảng để gác kèo dụ ong tụ về thì phải chọn nơi tràm có bông nhiều, tốt nhất là cây từ 3 năm tuổi trở lên. Ngoài ra, chọn hướng gác cũng hết sức quan trọng, phải bảo đảm đủ ánh sáng… Đứng gần quan sát cách ông Đồng dùng khói để xua đàn ong đi, rồi dùng dao cắt được chừng 3kg mứt ong cho vào thùng, nhiều con ong vo ve đuổi theo làm ai chưa có kinh nghiệm phải một phen hết vía. Mật ong U Minh vốn nổi tiếng về chất lượng, giá bán tại rừng hiện nay 500 ngàn đồng/lít. Đây là nghề giúp người dân nơi đây có thêm sinh kế để vững tâm giữ rừng.

Mặc dù chỉ mới đưa vào khai thác nhưng tour khám phá rừng An Minh lại thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Tuy chỉ mới là sản phẩm thử nghiệm nhưng nhiều du khách đánh giá rất cao bởi họ được trải nghiệm rất nhiều thứ ở đây. Ăn bữa cơm với người dân nơi đây với những đặc sản riêng có ở đất rừng như canh chua trái giác, rau choại, cá kho tộ, rau rừng nhúng mắm kho..., du khách càng thêm say lòng bởi những câu vọng cổ ngọt ngào và tình cảm chân chất, mộc mạc của người dân địa phương dành cho khách phương xa. Trong tour khám phá này, du khách có thể tận mục sở thị cách lấy vỏ tràm nguyên liệu để làm tranh vỏ tràm, một trong những sản phẩm nổi tiếng gần đây của đất An Minh. Tuy chưa phải là sản phẩm du lịch khám phá hoàn chỉnh nhưng tour khám phá đất rừng An Minh để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách. Anh Hà Huy Khang, một Việt kiều tham gia tour cùng chúng tôi, nói: “Tour khám phá rừng tràm U Minh đã cho tôi dịp trở về với thiên nhiên, với cây cỏ để tìm lại sự nhẹ nhàng, yên bình sau những ngày tất bật làm việc. Giá tour khá rẻ chỉ từ 200-500 ngàn đồng/người mà du khách được trải nghiệm cuộc sống thường nhật, cách đánh bắt của người dân sống tại rừng thật thú vị. Dự định sau chuyến đi này, tôi sẽ mời bạn bè tại TP. Hồ Chí Minh về cùng đi lần nữa”.

Để hoàn thiện tour khám phá rừng tràm An Minh trong thời gian tới, theo lời anh Lê Hoàng Nhân, một số hộ dân tham gia tour dự định sẽ cất thêm chòi để làm chỗ nghỉ trải nghiệm ngủ rừng, thêm một số hoạt động giải trí như đờn ca tài tử, thăm công binh xưởng thời chiến tranh… để du khách hiểu thêm về lịch sử đấu tranh của người dân đất An Minh trong những năm tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường. Đó cũng là cách để góp phần quảng bá hơn nữa tour khám phá rừng tràm An Minh đầy thú vị và ý nghĩa.

Ảnh: Anh Lê Hoàng Nhân (bìa phải) - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đông Hưng B (An Minh) cùng du khách trải nghiệm cách bắt cá bằng lọp của người dân rừng tiểu khu 34.

Bích Linh