Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Dân Vận Chính Quyền

Xem với cỡ chữAA

Tuổi cao vẫn hăng say lao động

(09:48 | 01/04/2019)

       Ở cái tuổi đáng lẽ đã nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, nhiều lão nông vẫn hăng say lao động, thi đua sản xuất, trở thành tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

 

RỜI BIỂN VỀ VƯỜN

Sau 30 năm hành nghề đánh bắt cá xa bờ, ông Mạch Văn Toa (57 tuổi), ngụ khu phố 4, phường Vĩnh Thông (TP. Rạch Giá) quyết định bán hết 4 cặp tàu đánh bắt công suất lớn để nghỉ ngơi giữ gìn sức khỏe. Nhưng với tính không thích nhàn rỗi nên ông quyết định về vườn mua thêm 4ha đất ruộng để lên liếp lập vườn trồng cây ăn trái đặc sản, kết hợp đã kinh doanh quán ăn sinh thái. Con cái can ngăn vì sợ ông cực, còn ông thì vẫn kiên trì với ý định lập vườn trái cây sạch. Sau nhiều tháng liền đến các vùng trồng chuyên canh ây ăn trái trong và ngoài tỉnh để học tập. Có chút kiến thức, ông Toa đầu tư trồng 1.000 gốc bưởi da xanh, bưởi thanh kiều, 1.000 gốc ổi lê, ổi Đài Loan, 2.000 gốc dừa xiêm, dừa dâu. Tận dụng miếng đất trống cặp vườn, ông Toa cất thêm 15 chòi lá để đón du khách gần xa đến tham quan, ăn uống. Tận dụng diện tích mặt nước trong vườn, ông Toa trồng rau muống, thả cá tra, cá chẽm, cá lóc để phục vụ bữa ăn du khách. Điều đặc biệt ở mô hình cây ăn trái của ông Toa là canh tác theo hướng an toàn, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên được Hội Nông dân TP. Rạch Giá chọn cung ứng sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

Để vườn mới lập trồng được cây ăn trái ngay, kinh nghiệm của ông Toa là cho kober lấy đất mặt dưới kênh để đắp lên mặt liếp, vừa giữ độ màu mỡ trong đất, vừa không phải mất thời gian chờ đất hạ phèn mới trồng cây được. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn nhà ông Toa cho huê lợi quanh năm. Những ngày nắng nóng như hiện nay, các mặt hàng dừa tươi, ổi, chuối vườn nhà ông Toa càng thêm đắt hàng. Với số lượng mỗi ngày bán được 100kg ổi bán với giá 12 ngàn đồng/kg, 200 trái dừa giá 55 ngàn đồng/chục, ông Toa bỏ túi hơn 2 triệu đồng. Đưa chúng tôi tham quan vườn bưởi da xanh đang kỳ cho trái, ông Toa bảo: “Từ ngày lập vườn đến nay đã 3 năm nay, tôi không cần uống thuốc như trước nữa, cơ thể khỏe mạnh hơn. Làm vườn cũng không lực lắm lại có đồng ra đồng vô hàng ngày”.

TÂM HUYẾT VỚI CỦ KHOAI LANG

Với 1ha đất trồng khoai lang, mỗi năm lão nông Huỳnh Văn Thơm (Mười Thơm), ngụ khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng) thu nhập hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí làm bờ bao, lên liếp, phân bón, lợi nhuận gần 150 triệu đồng. Nhiều người tò mò trong khi giá khoai lang trên thị trường liên tiếp nhiều năm gần đây quá bấp bênh, nhiều gia đình bán đất vì giá khoai lao dốc nhưng ông Mười Thơm vẫn sống khỏe với loài cây trồng đã có mặt ở khu phố 6 từ những năm 1968. “Kinh nghiệm của tôi là canh thời điểm xuống giống lúc ít nơi trồng được để không bị dội chợ và bán được giá cao. Ngoài ra, kỹ thuật làm đất cũng cực kỳ quan trọng quyết định vụ khoai thất bại hay thắng lợi”, ông Mười Thơm thiệt thà nói. Với kinh nghiệm theo dõi thị trường của mình, ông Mười Thơm nhận thấy thường mùa nước nổi các vùng trồng khoai lang lớn trong vùng sẽ ít trồng được do ảnh hưởng lũ. Nhất là những nơi mực nước lũ cao, không có đê bao kiên cố sẽ không thể trồng khoai được. Vậy là cứ khoảng tháng 7 âm lịch ông Mười Thơm thuê người cuốc dòng, rồi giâm dây khoai

Mỗi năm ông Mười Thơm trồng được 2 vụ khoai lang. Để giữ gien giống khoai lang địa phương có từ thời cha ông để lại, cứ khoảng tháng 2 âm lịch hàng năm, ông lại chọn những luống khoai có củ sai, to, trọng lượng khoảng 500gram/củ, cuống nhỏ để ương lấy dây làm dây khoai giống. Theo ông Mười Thơm, mỗi củ khoai giống khi ương có thể cho 25-50 chồi. Với 20 củ khoai giống, ông có thể nhân ra được 400 dây giống, sau đó tiếp tục trồng ở một khu vực riêng để trồng làm dây giống phục vụ ruộng khoai của gia đình và chia cho bà con trong ấp cùng trồng.

70 tuổi đời, với 50 năm kinh nghiệm trong nghề trồng khoai lang, ông Mười Thơm cho biết, trồng khoai lang sợ nhất là khoai bị sùng. Để hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học ngừa sâu, hà gây hại ruộng khoai, kinh nghiệm của ông Mười Thơm là sau khi thu hoạch khoai xong, sẽ ban luống khoai cho bằng phẳng lại, rồi cho nước vào ngập ruộng ngâm suốt trong 15 ngày để diệt mầm bệnh trên ruộng khoai. Trước khi cuốc dòng, ông xử lý vôi bột trên mặt luống để hạ phèn giúp khoai sinh trưởng tốt. Với kinh nghiệm này, nên năng suất ruộng khoai nhà ông Mười Thơm luôn mức 12-15 tấn/ha.

Có lẽ vì điều kiện đồng đất nơi này, cùng với nguồn nước ngọt mát lành quanh năm từ kênh Bông Súng hiền hòa, sự cần mẫn tâm huyết của những lão nông gắn bó nhiều năm với củ khoai như ông Mười Thơm đã góp phần làm nên hương vị đặc trưng của củ khoai lang Bông Súng ngọt lành ít nơi nào sánh được.

Ảnh: Ông Huỳnh Văn Thơm, ngụ khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng) bên luống khoai lang giống đang được ươm mới.

 

Bích Linh