ĐƯỢC MÙA MÍT
Ông Nguyễn Văn Quí (65 tuổi), ngụ ấp Tàu Hơi A, xã Thạnh Trị (Tân Hiệp) cho biết gia đình ông trồng 6 công mít Thái đang cho thu hoạch. “Mít Thái cho trái quanh năm, 10 ngày thu hoạch một đợt, được khoảng 300kg, trung bình 7-10kg/trái. Với giá bán từ 15-20 ngàn đồng/kg, trước và sau tết có lúc bán được giá cao kỷ lục 60 ngàn đồng/kg”, ông Quí cho biết. Từng sống bằng nghề chở mít từ Phong Điền (TP. Cần Thơ) về bán tại các huyện vùng Miệt Thứ, ông Quí học hỏi không ít kinh nghiệm trồng mít. Từ năm 2016, ông Quí thôi nghề đi buôn mà trở về lên liếp 6 công đất lúa kém hiệu quả để trồng 1.000 gốc mít Thái. Theo ông Quí, mít Thái dễ trồng, ít tốn công và chi phí chăm sóc. Mỗi năm bón 3 đợt phân 20-20-15, nắng hạn thì vét bùn dưới kênh đắp gốc để cây mát và bổ sung dinh dưỡng, cách 1-2 ngày tưới nước 1 lần. Để trái mít đẹp, đạt trọng lượng tối đa, mỗi cây khống chế số lượng từ 2-3 trái. Mít Thái cho trái sum sê, thương lái vô tận vườn thu mua với giá cao, mọi người nể ông Quí ở sự mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cây trồng tại địa phương.
Cách vườn ông Quí chừng 100m là vườn mít Thái 4 công đất của anh Đỗ Văn Chệt. Với 700 gốc mít 2 năm tuổi, anh Chệt vừa thu hoạch hơn 2 tấn mít bán cho thương lái. Theo anh Chệt, mít Thái trồng hơn 1 năm sẽ cho trái. Anh Chệt cho biết: “Để trái mít không bị sâu, khi trái còn nhỏ tôi dùng bao trái bọc lại. Mít bán có giá nhưng lại không ổn định, có lúc bán 50-60 ngàn đồng/kg, nếu thu hoạch số lượng ít thì bán lẻ giá 15 ngàn đồng/kg, giá này trừ chi phí còn lời 10 ngàn đồng/kg”.
3 năm trước, thấy đất mới nạo vét khá màu mỡ, ông Danh Bảnh, ngụ ấp Tàu Hơi B, xã Thạnh Trị mua 170 gốc mít Thái về trồng thử. Đến nay, vườn mít của ông đang phát triển tốt. “Hiện tôi bán mít được 53 ngàn đồng/kg, mỗi trái nặng khoảng 9kg cũng được gần 500 ngàn đồng. Cứ 12 ngày hái một lần rồi đem bán cùng các vườn khác”. Dưới gốc mít, ông Bảnh giữ cỏ để che mát cho gốc mít, vừa tận dụng làm thức ăn cho 20 con dê của gia đình. Thấy mít cho hiệu quả, ông Bảnh vừa chuyển 2,6ha đất ruộng sang trồng 7.000 gốc mít Thái và xen thêm 400 gốc sầu riêng.
HƯỚNG ĐI MỚI
Gặp ông Hoàng Đình Thành (69 tuổi) - Chi hội trưởng Chi hội làm vườn ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp) khi ông đang thu hoạch mãng cầu. Những hàng mãng cầu trái to, da xanh mướt dưới tán lá, kế đó là những gốc sa pô trĩu quả. Vườn ông Thành hiện có 40 gốc mãng cầu, 20 gốc chanh đào, 40 gốc dừa, hơn chục gốc sa pô đang kỳ cho trái. Ông Thành nói: “Tất cả cây ăn trái đều là giống cho trái quanh năm, giá bán ổn định từ 15-20 ngàn đồng/kg, bình quân mỗi năm tôi bỏ túi hơn 60 triệu đồng”. Chi hội làm vườn ấp Đông Bình hiện có 20 thành viên, với tổng diện tích 2,5ha chuyên canh cây ăn trái các loại.
Trước đây, đa số đất vườn trong ấp là cây tạp không có giá trị; được ngành nông nghiệp huyện vận động, tập huấn khoa học - kỹ thuật, bà con mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những loại cây ăn trái được thị trường ưa chuộng như sa pô, xoài Thái, mãng cầu… Để tạo điều kiện trao đổi kỹ thuật canh tác, đầu năm 2018, Chi hội làm vườn ấp Đông Bình được thành lập, được Hội Nông dân huyện Tân Hiệp hỗ trợ 200 triệu đồng để đầu tư cải tạo đất vườn, mua giống cây trồng canh tác.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông Nguyễn Quang Minh, thành viên Chi hội làm vườn ấp Đông Bình dành 1 công đất ruộng trồng rau tía tô, 1 công đất trồng mãng cầu xiêm. Hiện mỗi ngày ông Minh cắt bán khoảng 25-50kg rau tía tô. Đây là rau ít nơi trồng nên giá luôn ổn định ở mức 20 ngàn đồng/kg nên mỗi ngày ông thu về từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Ngoài bán rau ăn lá, sau mỗi lứa rau, ông Minh còn thu hoạch hạt tía tô bán cho một doanh nghiệp chuyên sản xuất giống cây trồng với giá 500 ngàn đồng/kg. “Tía tô là cây ngắn ngày, từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch 80 ngày. Mỗi liếp rau tía tô sẽ cho lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng từ việc bán rau và hạt”, ông Minh cho biết.
Đồng chí Phan Kim Loan - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp, cho biết: “Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã có kế hoạch hỗ trợ một số loại cây ăn trái để bà con ấp Đông Bình trồng. Định hướng của huyện là phát triển mô hình vườn cây ăn trái gắn với khai thác dịch vụ du lịch sinh thái để phục vụ du khách về viếng Đền Hùng”. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp, đến tháng 2-2019, huyện có khoảng 1.630ha đất vườn tạp được nông dân chuyển đổi trồng cây ăn trái. Đến nay, một số vườn đã cho thu hoạch như: Mãng cầu, sa pô (thị trấn Tân Hiệp), mít Thái (xã Thạnh Trị), nhãn Indo, xoài Thái, ổi (xã Tân Thành), bưởi (xã Thạnh Đông A)… cho hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Đồng chí Trần Minh Hoàng (thứ hai, từ trái qua) - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Hiệp cùng cán bộ xã Thạnh Trị thm quan mô hình tồng mít Thái của ông Danh Bảnh, ngụ ấp Tàu Hơi B.