Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Phong trào nông dân

Xem với cỡ chữAA

Đồng hành cùng nông dân vượt qua đại dịch

(15:00 | 12/11/2021)

Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội Nông dân từ tỉnh đến huyện, xã, chi hội ấp đã năng động với nhiều cách làm khác nhau, giúp hội viên, nông dân tiêu thụ hàng ngàn tấn nông sản các loại.

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam, theo công văn số 2777-CV/HNDTW, ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trong tình hình dịch Covid-19. Công văn số 3746/VP-KT ngày 02/6/2021 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Khởi động từ tháng 7 đến tháng 9-2021, chương trình hỗ trợ nông dân tiêu thụ, giải cứu hàng nông sản, đã có gần 180 tấn nông sản và 30 tấn hải sản đã được liên kết và tiêu thụ tại Trung tâm hỗ trợ Nông dân tỉnh gồm các loại mặt hàng của các huyện U Minh Thượng, Châu Thành, Giồng Riềng, Giang Thành (bắp, gừng, dưa leo, củ cải, mực, cá biển các loại…). Để giúp nhà nông bán được hàng hóa với số lượng lớn vào thời điểm thu hoạch rộ, giá bán các mặt hàng tại Trung tâm tương đương với giá nông dân bán tại chổ.

 

Ảnh: Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ hải sản.

 

Ông Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp Nguyễn Vũ, xã Vĩnh Thạnh (Giồng Riềng) cho biết, gia đình ông có 5 công đất trồng khoai lang. Những năm trước, bình quân mỗi vụ ông thu về lợi nhuận 20 - 30 triệu đồng, còn vụ này, do khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá khoai hồi tháng 8/2021 giảm còn 3.000 đồng/kg. “Nhờ Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nên bà con kịp thu hoạch, thu hồi được ít vốn. Khoai quá lứa dễ bị sùng, chỉ cần chậm trễ ngày nào là càng thêm mất giá”, ông Sơn nói.

Sốt ruột với cảnh nông dân không bán được rau màu trong những ngày giãn cách xã hội, Hội Nông dân huyện U Minh Thượng đã liên kết, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, hội viên thu mua nông sản cho nông dân địa phương. Đồng chí Nguyễn Thị Điều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng cho biết: “3 tháng qua, Hội đã tiêu thụ được 100 tấn rau, củ, quả và 100 tấn tôm, cua cho nông dân. Ngoài ra, Hội còn vận động các nhà hảo tâm thu mua 30 tấn nông sản để tặng các bếp ăn, người dân các khu cách ly, phong tỏa tại thành phố Rạch Giá”.

 

Ảnh: Hội Nông dân huyện U Minh Thượng chuẩn bị vận chuyển rau, củ, quả để tặng các bếp ăn, người dân các khu cách ly, phong tỏa tại thành phố Rạch Giá.

 

Theo đồng chí Phan Kim Loan - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh, trung bình mỗi ngày trung tâm tiêu thụ 5 tấn nông, thủy sản các loại. Ngoài bán trực tiếp với giá vốn cho người tiêu dùng, Trung tâm còn liên kết với Siêu thị Co.opmart Rạch Sỏi và Siêu thị CIC Rạch Sỏi cung cấp các mặt hàng nông, thủy sản được 10 tấn các loại. Trung tâm còn cung cấp gói Combo nông sản cho Tổ Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được 2.200 túi nông sản đi tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh với số lượng 22 tấn.

 

Ảnh: Một số mặt hàng thủy sản được trưng bày tại Siêu thị CIC Rạch Sỏi.

 

Cùng với đó, để nông dân có thêm điều kiện duy trì sản xuất và phát triển kinh tế trong tình hình dịch bệnh cón diễn ra như hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đã rà soát đối tượng, hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân thông qua các dự án nhằm tiếp sức nông dân vượt qua khó khăn. Đồng chí Thái Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Dự kiến trong tháng 10-2021, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh sẽ giải ngân 5 dự án 1,65 tỷ đồng hỗ trợ nông dân trồng dưa leo, nuôi tôm - cua, bò… Việc giải ngân vốn lúc này sẽ giúp hội viên, nông dân có vốn sản xuất, cùng địa phương thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp”.

 

Ảnh: Giải ngân Dự án “trồng dưa leo” từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho hội viên nông dân xã Bàn Tân Định (Giồng Riềng).

 

Chia sẻ khó khăn cùng nông dân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo giảm mức thu phí 10% đối với 65 dự án của nông dân trong tỉnh đang dư nợ 21 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và Quỹ Hỗ trợ nông tỉnh; mức thu phí vay giảm từ 8,4% còn 7,56%/năm trong kỳ thu phí quý 3 và quý 4-2021. Đối với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện và vốn do Hội Nông dân cấp xã vận động, Hội Nông dân cấp huyện tùy mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở địa phương quyết định mức giảm phí cho vay đối với nguồn vốn của cấp mình nhưng không vượt quá 15% mức phí đang thực hiện theo quy định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (8,4%/năm).

Bích Lệ-Ban Xây dựng hội