NÂNG CAO Ý THỨC NGƯ DÂN
Xác định giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức ngư dân là yếu tố quan trọng hàng đầu trong gỡ thẻ vàng IUU, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương ven biển tỉnh Kiên Giang đã đồng loạt triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đến ngư dân... Nhờ đa dạng hóa hình thức và đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục, nhận thức về IUU của ngư dân đã thay đổi đáng khích lệ.
Anh Trần Văn Vĩnh, thuyền trưởng tàu cá ở xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành cho biết, trước khi ra khơi, anh và nhiều thuyền viên được Đồn Biên phòng Tây Yên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền, vận động chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước. Trước khi tàu xuất bến, anh đã kiểm tra lại đầy đủ giấy tờ, thiết bị giám sát hành trình hoạt động tốt, không để mất kết nối với hệ thống VMS, sổ ghi nhật ký khai thác... “Tàu cá vi phạm vùng biển nước bạn là vấn đề hệ trọng trong tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Nếu không tháo gỡ được thẻ vàng này mà còn bị “thẻ đỏ” thì hàng hóa thủy sản sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường châu Âu và một số thị trường quan trọng khác, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân”, ông Vĩnh ý thức.
Kiên Giang là tỉnh có lượng tàu đánh bắt cá lớn nhất cả nước với hơn 8.210 chiếc đăng ký; trong đó, tàu cá chiều dài từ 15m trở lên là 3.634 tàu. Những năm trước, do ngư trường suy giảm nghiêm trọng, một số tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, nhờ thực hiện quyết liệt qua từng năm, nhất là sau lần kiểm tra thứ tư của EC, số tàu cá ở Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài giảm dần.
Đẩy mạnh nghề nuôi biển là một trong những giải pháp được tỉnh Kiên Giang khuyến khích thực hiện.
Năm 2023, số tàu vi phạm còn 16 vụ, 22 tàu (giảm 2 vụ, 4 tàu so với năm 2022). Sau đợt kiểm tra thứ tư về IUU vào tháng 10/2023, đoàn thanh tra của EC đã chỉ ra 4 hạn chế mà Kiên Giang cần khắc phục sớm là: Vẫn còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; vẫn còn tàu mất kết nối; việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chưa bảo đảm; công tác quản lý đào tạo chưa chặt chẽ, trong đó vẫn còn tàu “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Ðến nay tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã hỗ trợ 50% chi phí hơn 2,6 tỷ đồng cho các tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), bảo đảm liên lạc và tín hiệu thông suốt. Tập trung hướng dẫn ngư dân ghi chép sổ sách truy xuất nguồn gốc, kiểm tra các cảng, quản lý các đội tàu, thống kê, thủ tục đăng ký, đăng kiểm đúng quy định.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang vừa ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các cảnh báo của EC về chống khai thác IUU. Theo đó, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, khắc phục triệt để các bất cập, hạn chế, yếu kém về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh với quyết tâm chính trị cao nhất.
Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang tặng áo phao và tuyên truyền cho ngư dân chấp hành pháp luật trên biển.
Cùng với những biện pháp quyết liệt nhằm sớm gỡ "thẻ vàng" trong khai thác IUU, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu nghề cá như giảm tàu đánh bắt hải sản, chuyển một phần ngư dân sang nghề nuôi trồng hải sản nhằm đưa nghề cá nước ta phát triển bền vững và ổn định...
ĐẨY MẠNH NGHỀ NUÔI BIỂN
Là tỉnh có diện tích ngư trường hơn 63.200 km2, Kiên Giang đã đẩy mạnh đề án nuôi biển và tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sinh kế cho ngư dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phạm vi nuôi biển trên địa bàn tỉnh phân chia thành 2 vùng: vùng hải đảo, gồm huyện Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên và các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, bố trí nuôi cá biển chủ yếu theo hình thức lồng bè, với các đối tượng cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng...; Vùng ven biển, gồm các xã, phường ven biển thuộc các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương, bố trí nuôi nhuyễn thể, thả giống ngoài bãi triều và nuôi kết hợp trong vuông tôm, dưới tán rừng phòng hộ...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, để khai thác tiềm năng, thế mạnh về nuôi biển, tỉnh tập trung chỉ đạo lập quy hoạch, xây dựng các dự án nuôi trồng thủy sản ven biển, quanh các đảo, vùng ven bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tập trung các nguồn lực, thúc đẩy phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, bảo đảm môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch, bảo đảm quốc phòng-an ninh, góp phần phát triển kinh tế biển của tỉnh.