Toàn tỉnh hiện có 45 nghề truyền thống, với ba nhóm nghề, gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân.
NGUY CƠ MAI MỘT
Nghề nắn nồi đất ở khu phố Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tạo ra những sản phẩm có vị trí không dễ gì thay thế được. Từng cái nồi, niêu, xoong, chảo, cà ràng… đi vào bếp ăn của mỗi gia đình như những gì quen thuộc nhất. Theo các bậc cao niên, khoảng những năm 20 của thế kỷ 19, có một người Khmer đến sinh sống ở Hòn Đất sáng tạo nghề nắn nồi bằng đất sét để làm dụng cụ nấu nướng. Về sau, người dân trong vùng theo học và phát triển thành nghề như hiện nay.
Những năm 1980, ông Trần Văn Lập (65 tuổi, quốc tịch Việt Nam) nhưng sinh ra tại Campuchia về khu phố Đầu Doi sinh sống, cưới vợ, rồi gắn bó với nghề làm nồi đất ngót 40 năm. Hiện, người con lớn nối nghiệp ông đi khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giao nồi, lò đất cho các chợ đầu mối. “Mỗi cái lò đất gia đình tôi làm ra giá khoảng 60 nghìn đồng, mỗi chuyến ghe tôi chở được 500 cái lò, trị giá khoảng 30 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 40%”, ông Lập nói. Để tạo ra các sản phẩm bằng đất, theo ông Lập phải có nguyên liệu đất sét và qua nhiều công đoạn như tạo hình, làm bóng, tạo hoa văn, phơi khô, rồi đưa vào nung với các kỹ thuật xếp sản phẩm, chèn rơm, đốt củi…
Ông Trần Văn Lập gắn bó nghề làm nồi đất hàng trục năm qua.
Hiện nay, nhiều người vẫn ưa chuộng nồi làm bằng đất sét của gia đình ông Lập dùng kho cá, thịt, bởi hương vị đặc trưng tạo ra từ đất sét. “Nồi làm bằng đất kho cá, thịt tạo ra hương vị thơm ngon riêng mà các loại nồi bằng kim loại không thể có được”, chị Phạm Phương Lan, khách mua nồi đất cho biết. Tại khu phố Đầu Doi, hiện có 20 gia đình, với khoảng 200 người làm nghề nắn nồi đất. Vợ chồng anh Trần Văn Phú (40 tuổi), có 22 năm làm nghề nắn nồi đất thuê, thu nhập 500 nghìn đồng mỗi ngày giúp cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học.
Ở TP. Phú Quốc, các chủ nhà thùng cho biết, từ xa xưa ông bà họ đã sinh sống bằng nghề này rồi truyền lại cho con cháu, đến nay đã qua năm, sáu thế hệ, khoảng 200 năm. Theo lý lịch di sản văn hóa phi vật thể nghề làm nước mắm Phú Quốc của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, trước năm 1900, dọc theo bờ biển của vùng đảo Hải Tặc, Bình Trị, Củ Tron, Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang có rất nhiều cá cơm, ăn tươi không hết nên ngư dân đem muối để sử dụng lâu dài. Nước muối cá này được sử dụng làm gia vị hằng ngày.
Qua thời gian, người dân đúc kết kinh nghiệm để làm nước muối cá ngày càng ngon hơn, từ đó hình thành nghề chế biến nước mắm. Năm 1975, Phú Quốc có 62 nhà thùng, sản xuất được khoảng 7 triệu lít nước mắm/năm, sản phẩm được tiêu thụ mạnh mẽ trong và ngoài nước. Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, chủ hãng nước mắm Khải Hoàn cho biết, chỉ có các nhà thùng ở Phú Quốc mới chế biến được nước mắm có hàm lượng nitơ toàn phần (độ đạm tự nhiên) cao từ 40-45gN/lít. Hiện nay, Hiệp hội có 54 hội viên, sở hữu hơn 7.000 thùng ủ chượp, trong đó tám hội viên có tàu khai thác cá cơm, 10 doanh nghiệp có hàng xuất khẩu, sản lượng cá cơm thu mua hằng năm 30-40 nghìn tấn, sản xuất 20-30 triệu lít nước mắm (quy ra 25 độ đạm), doanh thu hằng năm đạt 250-300 tỷ đồng. “Nguyên liệu chính làm nước mắm là cá cơm, muối, phụ gia bổ sung. Cá cơm sọc tiêu và cơm than cho ra nước mắm ngon nhất. Để có nước mắm ngon phải chọn loại cá cơm tươi, mới đánh bắt làm nguyên liệu. Độ tươi và sự đồng nhất về chủng loại của cá càng cao, hàm lượng đạm trong nước mắm càng cao”, bà Liên chia sẻ.
Nước mắm truyền thống ở Phú Quốc.
Còn anh Nguyễn Huỳnh Anh Khoa, chủ hãng nước mắm Huỳnh Khoa, thành phố Phú Quốc cho biết, để có nước mắm chất lượng, nhà thùng của gia đình anh liên kết với các tàu đánh bắt. Cá cơm sau khi bắt được đưa lên tàu rửa sạch, loại bỏ cá tạp, sau đó trộn muối ngay, nhờ vậy bảo đảm độ tươi, cho nước mắm chất lượng thơm, ngon.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang hiện có 2.029 cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động nghề truyền thống, trong đó có 117 doanh nghiệp, hai hợp tác xã, 1.910 hộ. Có 3.383 lao động trong các nghề truyền thống, 2.442 người lao động thường xuyên. Nghề truyền thống có bước phát triển đáng kể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Mặc dù vậy, Phó Giám đốc Sở Trần Công Danh nhận xét, phần lớn các nghề truyền thống của tỉnh quy mô nhỏ lẻ; hình thức sản xuất chủ yếu hộ gia đình; sản phẩm truyền thống còn lạc hậu, có nguy cơ mai một như đan đát, dệt chiếu, lò rèn… Ngoài ra, trình độ quản lý, khả năng phân tích thị trường để xác định cơ hội và rủi ro kinh doanh của người dân còn thấp. Lao động ở một số nghề truyền thống chủ yếu phổ thông, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn yếu, chưa xây dựng được thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm.
Người dân làm nồi đất ở khu phố Đầu Doi.
Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Hòn Đất Nguyễn Văn Hiếu lo âu, lò đất hiện không còn là vật dụng thiết yếu của gia đình bởi có bếp gas, bếp từ. Nghề làm nồi đất có nguy cơ mai một do thiếu nguồn đất sét, trong khi địa phương không có quỹ đất để khai thác dành cho nghề này.
Trước đây, tỉnh khuyến khích người dân mở rộng đầu tư máy móc, nhưng do sản phẩm làm ra giá trị nhỏ, lợi nhuận không cao nên bà con không mở rộng.
VỰC DẬY NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Nghề truyền thống ở Kiên Giang gặp nhiều thách thức, đang tìm giải pháp vượt khó, trong đó gắn phát triển với du lịch, xốc lại việc quản lý, xây dựng thương hiệu… là những giải pháp được các cấp, ngành và người làm nghề truyền thống thực hiện. Năm 2015, khi đang làm việc ở TP.Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Huỳnh Anh Khoa quyết định về phát triển nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình có từ đời bà nội, gần 40 năm trước. Hiện anh Khoa có quy mô sản xuất lên 200 thùng. Do tham dự nhiều hội chợ, hội thảo, trưng bày sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, anh đang có ý tưởng tạo kênh bán hàng trên internet, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu…Cùng chí hướng với anh Khoa, để phát triển thương hiệu và bán được nhiều sản phẩm, các cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc đã đầu tư hệ thống dây chuyền đóng chai tự động.
Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, thời gian tới, bên cạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nguyên liệu cá cơm, thành phố sẽ quy hoạch làng nghề sản xuất nước mắm tập trung; tìm giải pháp về mẫu mã; đồng thời tăng cường quảng bá để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn về nước mắm Phú Quốc như là một sản vật của quốc gia, qua đó gắn với thu hút khách tham quan.
Theo Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kiên Giang, Lương Thanh Hải, loại hình du lịch nghề truyền thống ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và các sản phẩm đặc trưng ở mỗi vùng, miền. Du lịch và nghề truyền thống có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại. Nghề truyền thống góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch và tăng nguồn thu cho du lịch. Ngược lại, du lịch góp phần quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử, nét tài hoa của người làm nghề, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nghề truyền thống.
Tỉnh Kiên Giang đang triển khai các nhóm giải pháp phát triển du lịch gắn bảo tồn nghề truyền thống có tiềm năng du lịch cao. Theo đó, tỉnh tạo điều kiện để các hộ, cơ sở hoạt động nghề được vay vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm đổi mới thiết bị, công nghệ, sản xuất mặt hàng mới; khuyến khích thợ giỏi, có tay nghề trực tiếp mở lớp truyền nghề; khuyến khích phát triển nghề nông thôn gắn với phát triển du lịch; tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm của nghề truyền thống…
Box: Theo Đề án “Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2025, tỉnh có tám làng nghề truyền thống đưa vào khai thác du lịch, gồm: sản xuất nước mắm, nuôi cấy ngọc trai, sản xuất rượu sim, đan cỏ bàng, trồng tiêu, nghề làm khô, đan lục bình, nuôi cá bè và làng chài.