Cổng thông tin điện tử Hội Nông Dân tỉnh Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Nâng tầm đảo ngọc

(17:38 | 19/05/2024)

Từ một hòn đảo ít ai biết đến, giờ đây Phú Quốc (Kiên Giang) phát triển ngoạn mục về mọi mặt. Từng được ví như “nàng công chúa ngủ quên” thì nay đảo ngọc được đánh thức, trở thành thiên đường du lịch, không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Năm 2021, TP.Phú Quốc chính thức trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang và là thành phố đảo đầu tiên của cả nước. Địa phương này đang tập trung nguồn lực phấn đấu nâng cấp lên đô thị loại I trước năm 2025.

ĐỘT PHÁ HẠ TẦNG

Hạ tầng giao thông đường bộ được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại với các tuyến trục nam - bắc đảo Phú Quốc dài hơn 51 km, đường vòng quanh đảo hơn 116 km. Ngoài ra, các tuyến nhánh đấu nối với sân bay, các cảng biển, địa điểm du lịch cũng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Vận dụng các nguồn lực xã hội hóa, những năm qua, Phú Quốc xây dựng hơn 175 km đường giao thông nông thôn; nâng tổng chiều dài giao thông trên đảo hơn 220 km.

Nổi bật ấn tượng có thể nói đến là sân bay quốc tế Phú Quốc hiện đại, với vốn đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng, đưa vào khai thác cuối năm 2012, trung bình phục vụ 4 triệu lượt khách/năm. Sân bay quốc tế này có vai trò rất quan trọng trong kết nối đảo ngọc với nhiều địa phương trong nước và nước ngoài. Hiện nơi đây chuẩn bị mở đường băng thứ hai, nâng tổng công suất khai thác đến lên 10 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2030.

Ngoài đường bộ, đường hàng không, cảng biển trên đảo Phú Quốc đã được đầu tư. Cảng Dương Đông, Thổ Châu, An Thới được đầu tư hoàn chỉnh góp phần kết nối đất liền với đảo, đảo với đảo trong vận chuyển hành khách và hàng hóa. Thời gian tới, cảng biển hành khách quốc tế Phú Quốc được đưa vào sử dụng sẽ tiếp thêm “đôi cánh” giúp đảo ngọc bay cao.

 

Ảnh: Khách quốc tế du lịch tại Phú Quốc.

 

Cách đất liền, TP.Hà Tiên hơn 50 km và TP.Rạch Giá khoảng hơn 110 km, người dân Phú Quốc 20 năm trước không dám mơ ước có điện lưới quốc gia. Thế nhưng năm 2014, Phú Quốc chính thức hòa lưới điện quốc gia, với dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Tháng 10/2022, tuyến đường điện thứ hai 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc, với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng đóng điện vận hành giai đoạn 1. Ngày 30/3 vừa qua, đường dây vượt biển truyền tải điện đã vận hành, bảo đảm nguồn cung điện cho Phú Quốc đến năm 2040, giúp tất cả số hộ trong toàn thành phố được dùng điện lưới quốc gia.

Ông Trần Văn Thận, ngụ xã Cửa Dương, TP.Phú Quốc có hơn 40 năm sinh sống trên đảo nói rằng, hơn 20 năm trước, Phú Quốc rất hoang sơ, nhà cửa thưa thớt, điện, đường, trường, trạm không bảo đảm, khó khăn trong đi lại, chữa bệnh và học hành. “Nay thì khác rồi, trên đảo không thiếu gì. Mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu cao tốc, hàng chục chuyến bay hạ, cất cánh trên đảo. Phú Quốc nay có nhà cao tầng san sát, đường sá kết nối dọc ngang như ô bàn cờ vậy”, ông Thận chia sẻ.

THIÊN ĐƯỜNG DU LỊCH

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc, hiện thành phố có hơn 4.400 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 17 lần số doanh nghiệp thành lập và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so năm 2004. Khu Kinh tế Phú Quốc thu hút 321 dự án đầu tư, diện tích sử dụng đất hơn 10.600 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 412.000 tỷ đồng; trong đó, có 274 dự án đầu tư du lịch, diện tích gần 9.400 ha...

 

Ảnh: Du khách trải nghiệm cáp treo Hòn Thơm, TP.Phú Quốc.

 

Năm 2004, Phú Quốc chỉ có hơn 55 cơ sở lưu trú thì đến nay, thành phố có hơn 471 cơ sở lưu trú với hơn 24.880 phòng, trong đó có 17 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao. Hạ tầng du lịch Phú Quốc phát triển kéo theo đó là khách du lịch đến đảo ngọc ngày một nhiều hơn. Năm 2023, thành phố đón hơn 5,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 560.000 lượt; doanh thu từ hoạt động dịch vụ lưu trú, du lịch đạt 6.848 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược như Sun Group, Vingroup, Bim Group đã mở rộng đầu tư các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí mới, cao cấp, tạo điểm nhấn, đa dạng, từ đó ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch đến địa phương, góp phần tăng thu ngân sách, qua đó khẳng định thương hiệu du lịch của đảo ngọc.

 

Ảnh: Một góc phường An Thới, TP.Phú Quốc.

 

Những dự án đã đi vào hoạt động có các sản phẩm phục vụ du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế như: Hệ thống cáp treo tại Hòn Thơm được Tổ chức Guinness trao tặng chứng nhận “Cáp treo dài nhất thế giới”, quần thể vui chơi giải trí GrandWorld, khu vui chơi giải trí Sun World Hon Thom Nature Park, khu vui chơi giải trí Vinwonder, khu vườn thú bán hoang dã Safari, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay, Casino Phú Quốc… Nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Park Hyatt, Intercontinental, Novotel, Accor cũng đã đặt chân đến đảo ngọc.

Bên cạnh đó là hàng loạt khu du lịch sinh thái Bãi Thơm, Gành Dầu, Rạch Tràm, Rạch Vẹm, Cửa Cạn, Bãi Ông Lang, Bãi Sao, cùng các khu hỗn hợp Bãi Vòng, Vịnh Đầm, Bãi Trường, Suối Tranh, Suối Tiên, Suối Đá Bàn, chợ đêm Dương Đông, bến Hàm Ninh, Nhà tù Phú Quốc… giúp địa phương khai thác các giá trị biển, đảo, di tích lịch sử cách mạng, văn hóa gắn liền với cộng đồng ngư dân trên đảo.

Một số loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch, như sản phẩm du lịch sinh thái gắn với tài nguyên du lịch biển, đảo; sản phẩm du lịch gắn liền với các di tích lịch sử, các công trình văn hóa và danh lam thắng cảnh; sản phẩm du lịch làng nghề; sản phẩm du lịch gắn liền với lễ hội, tín ngưỡng; sản phẩm du lịch MICE… đã dần tạo nên thương hiệu riêng cho đảo ngọc, đưa Phú Quốc trở thành địa điểm tìm kiếm hàng đầu của những “tín đồ” du lịch, thích khám phá núi, rừng và biển cả.

Lê Vinh-Báo Nhân Dân tại Kiên Giang