Ngày 20/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 182/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Đề án được xây dựng trên quan điểm: Phát huy, nâng cao vai trò Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; thu hút, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp.
Mục tiêu của Đề án là khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên nông dân, thu hút ngày càng nhiều cá nhân và tổ chức tham gia phát triển KTTT nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của thành viên, hộ gia đình, góp phần trách nhiệm xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững.
Kinh nghiệm phát triển KTTT trong nông nghiệp từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và của chúng ta trong thời gian qua đã khẳng định những giá trị mới được tạo ra rất đáng trân trọng và phát huy trong thời gian tới đó là:
Ảnh: Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tiến, xã Hòa Thuận (Giồng Riềng) đang thu hoạch lúa.
- Phát triển KTTT từng bước khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường: bản chất của KTTT là hợp tác để cùng cạnh tranh, giúp các cá nhân sản xuất nhỏ lẻ, yếu thế hợp tác lại với nhau, cùng phát triển và tạo ra sản phẩm có chất và lượng đủ cạnh tranh trên thị trường ngày càng yêu cầu cao hơn về tính an toàn, sạch sẽ, không hại môi trường sống…
- Phát triển KTTT tạo động lực khơi dậy và phát huy tính tự lực, tự cường sức mạnh đoàn kết dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc: với tính chất hợp tác đa dạng phát triển từ thấp đến cao như Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã và các thành viên hoạt động theo nguyên tắc “5 tự, 5 cùng” (5 tự: tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; 5 cùng: cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ). Khuyến khích nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung, minh bạch trong quản lý điều hành… KTTT rất có điều kiện để kết hợp các sự đầu tư của nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân để phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Ảnh: Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024.
- Phát triển KTTT tạo nền tảng hình thành và phát triển văn hóa hợp tác trong nền kinh tế thị trường ngày càng hội nhập sâu và rộng hơn với thế giới: kinh tế hợp tác lấy các nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng, dân chủ, công bằng, đoàn kết có trách nhiệm với cộng đồng làm cốt lõi để tồn tại và phát triển. Đã là thành viên hợp tác xã thì không kể trước sau, vốn góp nhiều hay ít, đều cùng chung mục tiêu hợp tác, tương trợ, giúp nhau cùng có lợi đây là cơ sở để đưa thói quen hợp tác trở thành văn hóa ứng xử là bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
- Phát triển KTTT tạo điều kiện thực hiện các chính sách xã hội bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư: những giá trị này có được là do phát triển KTTT góp phần thúc đẩy giáo dục đào tạo liên tục cho các thành viên là nông dân về kiến thức cơ bản như: tài chính, tín dụng, đầu tư, marketing... KTTT nhìn trên góc độ hợp tác tương trợ cần giúp giảm các căng thẳng trong đời sống kinh tế hiện tại, hài hòa hơn trong quan hệ xã hội không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tất nhiên, điều hết sức quan trọng là để đảm bảo kết quả thực hiện thành công là Hội Nông dân các cấp phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thông tin, tuyên truyền đến Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA), các tổ tổ chức trong và ngoài nước, bà con hội viên nông dân hiểu rõ về Luật Hợp tác xã năm 2023. Qua đó thu hút, tạo sự quan tâm rộng rãi, giúp đỡ, hỗ trợ trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế tập thể của chúng ta.