Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Giải cứu hay giải pháp cho nông sản

(22:41 | 17/06/2024)

Từ việc hàng trăm tấn khoai lang của Giồng Riềng vừa được các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm giải cứu, một lần nữa vấn đề tìm giải pháp đầu ra cho nông sản luôn là bài toán lớn mà đến nay vẫn chưa có một lời giải hiệu quả.

Anh Nguyễn Thanh Hậu, chủ salon Tóc Đa, đường Ba Tháng Hai, phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) mua 500kg khoai lang ủng hộ nông dân Giồng Riềng với giá 5.000 đồng/kg để phát tặng cho người nghèo. Trong khi đó, tại các sạp ở chợ truyền thống, siêu thị, khoai lang được bán với giá 10.000-15.000 đồng/kg. “Khoai rẻ, ngọt, hấp cơm, nướng, hay nấu chè đều được. Thay vì phát gạo như mọi khi tôi chuyển qua tặng khoai, vừa giúp được nông dân tiêu thụ”, anh Hậu cho biết.
Qua phát động của Hội Nông dân tỉnh, sau gần 1 tháng giải cứu, hơn 130 tấn khoai lang bí đường của nông dân huyện Giồng Riềng đã được tiêu thụ. Không chỉ có Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêu thụ 45 tấn khoai lang với chương trình “Khoai lang nghĩa tình sẻ chia cùng nông dân Kiên Giang”, còn có Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên OCOP Kiên Giang tiêu thụ 30 tấn khoai, Hội Nông dân các huyện, thành phố trong tỉnh mà còn có cả các nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh hỗ trợ tiêu thụ...

 

Ảnh: Nông dân xã Long Thạnh (Giồng Riềng) thu hoạch khoai lang.

 

Theo đồng chí Lê Thị Kim Phượng - Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thạnh, xã Long Thạnh có diện tích trồng khoai lang 103ha với hơn 80 hộ trồng. Đầu tháng 5-2024, giá cả khoai lang trên thị trường giảm mạnh chưa từng có. Đầu vụ, giá khoai lang bán ra tại ruộng dao động từ 320.000-380.000 đồng/tạ (1 tạ 60kg), tương đương 5.500 đồng/kg. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch rộ, giá khoai rớt xuống chạm đáy, còn chỉ 50.000-60.000 đồng/tạ, tương đương chỉ 1.500 đồng/kg, cộng với sức ép của thương lái, khoai lang quá lứa bị hà đụt lỗ giá lại càng mất giá, còn chỉ 25.000-30.000 đồng/tạ, tức chỉ 450 đồng/kg. “Với giá 450 đồng/kg, trừ tất cả chi phí người dân thua lỗ nặng. Từ đó người dân quyết định không bán cho lái mà kêu gọi các ngành, các cấp giải cứu với mong muốn thu hồi được một phần vốn đã đầu tư”, đồng chí Lê Thị Kim Phượng nói.
 

Ảnh: Nông dân xã Long Thạnh (Giồng Riềng) vận chuyển khoai lang ra lộ lớn.

 

Hiện khoai lang được trồng tập trung tại một số huyện như Hòn Đất, TP. Hà Tiên, Giồng Riềng, U Minh Thượng với tổng diện tích khoảng 1.000ha, năng suất bình quân 25-30 tấn/ha, riêng huyện Hòn Đất có khoảng 800ha khoai lang. Để bán được giá cao, nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Cường ngụ ấp Mỹ Thái, xã Mỹ Thái (Hòn Đất) cùng nhiều nông dân trong xã thành lập tổ nghiên cứu thị trường ngành hàng khoai lang, đồng thời, tìm doanh nghiệp liên kết sản xuất trước khi quyết định diện tích trồng. Ông Cường cho biết: “Nhờ bờ bao kiên cố nên tôi trồng được khoai vào mùa nước nổi. Do trồng vụ nghịch, tức xuống giống từ tháng 8, đến tháng 12 âm lịch sẽ thu hoạch nên ít nơi trồng được, nhờ vậy giá khoai luôn ở mức cao. Bình quân mỗi năm tôi thu hoạch 15ha khoai lang các loại, bán với giá từ 400.000-520.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí, tôi lợi nhuận hơn hơn 1,5 tỷ đồng”.

Tình trạng nông sản cung vượt cầu dẫn đến nông dân không tiêu thụ được phải kêu gọi cộng đồng hỗ trợ từng xảy ra với nhiều loại trái cây khác ở Kiên Giang như: Củ cải trắng, khoai lang, xoài, bưởi, cam sành... 
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, bản chất của tổ chức giải cứu nông sản là sự thất bại trong việc sản xuất nông nghiệp, được mùa mất giá cứ như vòng lặp với người nông dân trong nhiều năm nay. Một số sản phẩm cứ đến mùa thu hoạch lại dư thừa như dưa hấu, thanh long, củ cải… làm đời sống nông dân khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nông nghiệp và kinh tế tỉnh nhà. Bên cạnh đó, việc quá phụ thuộc vào một thị trường cũng là rào cản lớn trong việc phát triển nông nghiệp. “Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại, người dân cần thận trọng khi phát triển diện tích, chỉ trồng ở những vùng chuyên canh phù hợp thổ nhưỡng, tập trung để đảm bảo vấn đề liên kết, có kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ và phải sản xuất đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn, truy xuất tốt nguồn gốc để tăng thị trường tiêu thụ”, đồng chí Đỗ Trần Thịnh nói.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang