ĐỘT PHÁ VỀ HẠ TẦNG
Những ngày đầu năm mới này, tuyến đường Hòa Điền (từ ấp Hòa Giang đến ấp Cờ Trắng) dài 5 km, được mở rộng từ 3,5m lên 5,5m đang gấp rút thi công và hoàn thành. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch, nối liền huyện Kiên Lương với huyện Giang Thành cũng như đi TP. Hà Tiên. “Tuyến đường mở rộng này hoàn thành sẽ tháo gỡ nút thắt về giao thông trên địa bàn và tạo điều kiện trong phát triển kinh tế xã hội của toàn xã Hòa Điền”, đồng chí Lê Trung Nhẫn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Hòa Điền cho biết.
Theo đồng chí Lê Tung Nhẫn, xác định hạ tầng giao thông và thủy lợi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nên nhiều năm qua, xã Hòa Điền tranh thủ các nguồn lực, kêu gọi đầu tư và hiện dần hoàn thiện. Riêng trong năm 2021, UBND xã Hòa Điền đã phối hợp nghiệm thu đưa và sử dụng công trình nâng cấp, sửa chữa tuyến Hòn Heo - Cờ Trắng.
Hiện, UBND xã Hòa Điền chủ động phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kiên Lương và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ các công trình đường T3, thuộc ấp Hòa Lạc, Kinh I và Tân Điền; mở rộng tuyến đường 2700 thuộc ấp Hòa Lạc; bàn giao mặt bằng thi công tuyến kênh 5, ấp Hòa Lạc. Khảo sát chuẩn bị thi công trình cống kênh 1300 ấp Kinh I, kênh 2700 ấp Hòa Lạc, kênh 9 ấp Tân Điền. Song song đó, xã Hòa Điền cũng phối hợp các đơn vị có liên quan bàn giao mặt bằng cho ngành điện lực đấu nối tuyến đường kênh Gia Lạc; bàn giao mốc giả phóng mặt bằng dự án công trình đường điện 110kv Tịnh Biên - Hà Tiên (đoạn thuộc địa bàn xã Hòa Điền)… “Bên cạnh các công trình hoàn thành trước đây phục vụ đi lại và tưới tiêu sản xuất nông nghiệp thì khi các công trình mới này đã và sắp tới hoàn thành, giúp người dân thuận lợi hơn trong sản xuất, tạo sự phát triển của xã”, đồng chí Lê Trung Nhẫn cho biết thêm.
Ảnh: Tuyến đường Hòa Điền (từ ấp Hòa Giang đến ấp Cờ Trắng) dài 5 km, được mở rộng từ 3,5m lên 5,5m hoàn thành sẽ tạo sự phát triển cho xã Hòa Điền.
Anh Lâm Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã tôm, lúa Tân Thành, bộc bạch: “Nhờ được nhà nước đầu tư hạ tầng thủy lợi, thuận lợi cho sản xuất mà đời sống kinh tế của người dân đã thay đổi. “Việc chuyển đổi từ mô hình canh tác 2 vụ lúa sang mô hình 1 vụ tôm - 1 vụ lúa, giúp 11 thành viên tham gia hợp tác xã tăng thu nhập, tạo đà cho sự phát triển của vùng đất hoang hóa, phèn mặn này”.
NÔNG THÔN ĐỔI THAY
Ông Võ Văn Phi (62 tuổi), ngụ tổ 3, ấp Cảng, xã Hòa Điền cho biết: “Diện mạo nông thôn trên địa bàn xã Hòa Điền có quá nhiều đổi thay theo chiều hướng tích cực. Điện, đường, trường học, trạm y tế có đầy đủ. Đời sống vật chất và tinh thần của hầu hết người dân trên địa bàn toàn xã ngày một nâng lên”. Nhớ lại cách đây hơn 20 năm, kể từ khi cả nhà ông từ tận tỉnh Cà Mau lên địa bàn xã Hòa Điền lập nghiệp, ông Phi lắc đầu, nói: “Đường sá lúc đó tệ lắm. Do là đường đất đỏ, hoặc đường đất, nên cứ hễ mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bay mù trời mỗi khi co xe đi qua. Đó là chưa kể các tuyến nhỏ, hầu như chưa có lộ bê tông. Thời điểm ấy, ở đây cơ giới hóa, hạ tầng thủy lợi chưa nhiều nên mặc dù người dân có cố gắng nhưng hiệu quả sản xuất không cao”.
Ảnh: Nông dân xã Hòa Điền thu hoạch lúa hè thu 2021.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Phi thì khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt từ khi xã được công nhận xã nông thôn mới thì bộ mặt nông thôn ở xã Hòa Điền đổi khác hoàn toàn. Điển hình là nhờ được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông mà việc sản xuất, nuôi trồng của ông Phi và nhiều hộ dân khác “phất lên”. “Tôi có 4 ao nuôi tôm công nghiệp, 6 ha nuôi tôm quảng canh. Hàng năm, với diện tích này tôi nuôi từ 2-3 vụ, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng”. Có tiền, ông Phi xây cất nhà mới hơn 2 tỷ đồng.
Nôi theo ông Võ Văn Phi nhiều hộ dân khác trên địa bàn ấp Cảng và cả xã Hòa Điền học hỏi và nỗ lực vượt khó và vươn lên khá giả. Chị Hồ Thị Kiều (42 tuổi), ngụ tổ 9, ấp Cảng vui mừng cho biết giờ chị không còn thuộc diện hộ nghèo. 3 năm trước, chị được ban lãnh đạo ấp Cảng đứng ra tính chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Kiên Lương vay 40 triệu đồng sản xuất; chồng được tạo điều kiện có việc làm ổn định. “Lãnh đạo ấp tuyên truyền, rồi vận động vợ chồng tôi học hỏi kinh nghiệm thực tế của những người ăn có hiệu quả trên địa bàn, tiết kiệm trong chi tiêu, nhờ vậy mà gia đình thoát nghèo”, chị Kiều nói.
Theo UBND xã Hòa Điền nhờ đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư hạ tầng giao thông mà sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa, nuôi tôm của người dân mang lại hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Đến cuối năm 2021, toàn xã chỉ còn 45 hộ nghèo (chiếm 1,71%).