Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nhà nông cần biết

Xem với cỡ chữAA

Trồng quýt trên đất lúa, nông dân “bỏ túi” gần 200 triệu đồng/năm

(22:06 | 25/11/2021)

Trong khi nhiều người vẫn gắn bó với cây lúa thì ông Nguyễn Văn Đến, ngụ ấp Vinh Bắc, xã Ngọc Thuận (Giồng Riềng) lại chọn cho mình hướng đi riêng khi chọn cây quýt đường để chuyển đổi. Với mô hình trồng quýt đường theo hướng an toàn, ông Đến lãi gần 200 triệu đồng/năm.

Năm 2017, ông Đến quyết định chuyển đổi 2ha đất canh tác lúa 2 vụ cho hiệu quả thấp sang trồng 2.500 cây quýt đường. Ngoài khoản đầu tư lên liếp, mua cây giống hết 70 triệu đồng, ông Đến còn đầu tư 100 triệu đồng làm giàn tưới phun tự động điều khiển từ xa cho vườn quýt nhằm giảm công lao động. Theo ông Đến, quýt cho thu hoạch quanh năm, nhưng thời điểm cho thu hoạch trái với sản lượng lớn thì chỉ 2 đợt vào tháng 7 và tháng 2 trong năm với sản lượng bình quân 2-3 tấn/đợt. Quýt đường là mặt hàng được thị trường tiêu thụ mạnh nên giá bán tại vườn những năm qua luôn ổn định 25.000-27.000 đồng/kg. Nếu canh đúng thời điểm rằm, lễ, tết thì giá cao hơn, dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg.

Ông Đến cho biết: “Trồng quýt đường đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư chiếm 30-40% doanh thu. Khoảng cách trồng giữa các cây cách nhau từ 1,5-2m nhằm đảm bảo sự thông thoáng, hấp thu ánh sáng để cây quýt đường ra hoa, đậu trái”. Trồng quýt đường khoảng 18 tháng thì cây cho trái nhưng do cây mới trồng còn yếu nên phải cắt bỏ hết quả non để cây quýt không bị mất sức. Cây quýt đường thường mắc các bệnh như nấm hồng, vàng lá gân xanh và các loại côn trùng chích hút trái. Vì vậy cứ đầu tháng, ông Đến kết hợp giữa sử dụng các chế phẩm sinh học với thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của ngành chuyên môn và bón thêm các loại phân hữu cơ cho cây quýt. Cách chăm sóc này vừa đảm bảo phòng trừ hữu hiệu các loại sâu bệnh gây hại, vừa đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây, đặc biệt là vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo thời gian cách ly vì tới cuối tháng mới thu hoạch.

 

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Đến (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng quýt đường theo hướng an toàn của gia đình với đồng chí Nguyễn Thái Đông - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng.

 

Ông Đến nói: “Đầu tháng là mình xịt, cuối tháng mình thu hoạch thoải mái vì thời gian cách ly lâu. Đều đều mỗi tháng bón thêm cho cây ít phân như vi sinh, tốt nhất là phân chuồng để trái thơm và có vị ngọt thanh đặc trưng. Cành quá sai trái phải cắt tỉa bớt, mỗi cây chỉ giữ lại 50% số trái để vừa đảm bảo dinh dưỡng nuôi cây, trái to, đạt chất lượng và bán được giá cao”. Trước khi chuyển đổi từ ruộng lúa sang trồng quýt đường, ông Đến đã mạnh khăn gói xuống tận các vườn quýt ở tỉnh Đồng Tháp để tìm hiểu, học hỏi các quy trình, kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc cây quýt đường và mua giống về trồng. Sau thời gian trồng và tuyển chọn, hiện vườn nhà ông Đến còn hơn 1.000 cây quýt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay các cây quýt đường của người đàn ông 48 tuổi này đang sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi năm cho sản lượng hơn 10 tấn trái. Sau khi trừ chi phí phân bón, nhân công, ông Đến lãi từ 180-200 triệu đồng/năm.

 

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Đến (bên trái) giới thiệu về mô hình trồng quýt đường theo hướng an toàn của gia đình với đồng chí Trần Kiếm Phong – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng.

 

Mặc dù mô hình trồng cây quýt đường của ông Đến là mô hình mới, nhưng đã cho thấy sự mạnh dạn của người nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích. Để mô hình trồng quýt đường phát triển bền vững trên địa bàn huyện rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện nhà trong việc tư vấn, hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng như xây dựng các giải pháp đầu ra lâu dài cho sản phẩm. Ông Đến nói: “Tôi định tận dụng diện tích mặt nước từ các mương xẻ trong vườn nuôi thêm cá, ốc bươu đen nhưng chưa biết phải thực hiện  từ đâu để đạt hiệu quả. Hy vọng nhận được sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật từ ngành Nông nghiệp huyện”.

Đặng Linh-PV Báo Kiên Giang