Bước vào vụ sản xuất lúa Hè thu năm nay gặp nhiều thuận lợi, do thời tiết trong những ngày qua mưa nhiều nên có được nguồn nước dồi dào, giúp cho việc gieo sạ cũng dễ dàng hơn. Trong những ngày qua, nhờ thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển tốt, tình hình thời tiết ở đầu vụ cũng thuận lợi cho cây lúa phát triển nên nông dân cũng an tâm.
Giống lúa trong vụ Hè Thu năm nay, bà con nông dân tại huyện Kiên Lương chủ yếu sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn dưới 100 ngày, cứng cây và cho năng suất cao, chất lượng gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như: OM 5451, Đài Thơm 8, OM 18, GKG1, GKG9, OM 2517... Ông Nguyễn Văn Công, nông dân ấp Hòa Lạc, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương cho biết, tại ấp Hòa Lạc, xã Hòa Điền, bà con nông dân chủ yếu sử dụng giống lúa đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu và phù hợp với vùng đất trên địa bàn. “Trong đó, các giống OM 18, Đài Thơm 8 và D9S1 là những giống lúa chủ lực của bà con nông dân tại ấp, còn lại là giống OM 5421 nhưng không nhiều”. Hiện một số diện tích đã gieo sạ, đang được bà con nông dân trên địa bàn huyện Kiên Lương tích cực chăm sóc. Vì vụ lúa Hè thu được xem là môt trong những vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn nhất trong năm do thường bị ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết và sâu bệnh diễn biến bất thường, đề nghị bà con nông dân cần tuân thủ theo đúng lịch thời vụ gieo sạ của huyện.
Ảnh: Nông dân ấp Kênh 9, xã Kiên Bình (Kiên Lương), cày ải, phơi đất chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Hè thu năm 2021.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, đối với những diện tích gieo sạ xong, bà con cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trị kịp thời các loại sâu bệnh gây hại phát sinh ở đầu vụ, ảnh hưởng đến cây lúa như: Bù lạch, chuột, bệnh cháy lá. Đặc biệt là rầy nâu và bệnh cháy lá vì các loại bệnh này đã xuất hiện tại một số khu vực lân cận thuộc các huyện gần huyện Kiên Lương.
Đồng thời đề nghị bà con cần chủ động theo dõi tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn, thông báo với ngành chức năng chuyên môn kịp thời khi phát hiện mặn, để hướng dẫn người dân sản xuất hiệu quả.