NÔNG DÂN TIN TƯỞNG
Hai năm qua, vụ trồng lúa trên nền tôm nào ông Nguyễn Minh Tân (39 tuổi), tổ 6, ấp Trung Hòa cũng mang lại nhiều lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích. Theo ông Tân tất cả là nhờ vào việc không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng ít phân bón hưu cơ. Cụ thể năm 2020, ông Tân sản xuất 7 hecta lúa - tôm. Trong đó, riêng lúa một vu trên nền đất tôm cho năng suất 6 tấn/hecta, lợi nhuận 30 triệu đồng/hecta, với giá bán 7.300 đồng/kg lúa, tổng cộng thu về 210 triệu đồng. Cùng với tôm, gia đình ông có tổng thu nhập từ 450 triệu đồng - 500 triệu đồng từ diện tích 7 hecta. Năm 2019 trước đó, mặc dù giá lúa xuống thấp, tôm cũng bấp bênh, nhưng ông Tân vẫn thu về khoảng 300 triệu đồng.
Ông Phan Văn Cam (52 tuổi), ngụ tổ 5, ấp Trung Hòa sản xuất ít hơn ông Tân nhưng năm 2020 cũng thu trên 300 triệu đồng từ 4 hecta sản xuất lúa - tôm. Theo đó, năm 2020, mỗi hecta của ông Cam cho năng suất từ 5-6 tấn. Trong đó, chỉ tính riêng lúa hữu cơ, năm 2020 ông Cam thu về khoảng 180 triệu đồng.
Ảnh: Ban lãnh đạo ấp Trung Hòa, cùng các thành viên Hợp tác xã Hiệp Lực tham quan cánh đồng lúa trên nền tôm không sử dụng phân bón hóa học.
Qua 2 năm canh tác lúa - tôm theo hướng sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo ngành nông nghiệp, các ông Tân, Cam cho biết, mặc dù năng suất không cao bằng việc sản xuất sạ lúa dày, sử dụng phân bón hóa học, nhưng đổi lại lợi nhuận cao hơn, nông sản làm ra an toàn và bán được giá cao hơn.
HƯỚNG ĐẾN NÔNG NGHIỆP SẠCH
Đồng chí Mai Trung Nưng - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Trung Hòa cho biết: “Để nông dân trong ấp - nơi chủ yếu sản xuất nông nghiệp làm giàu lên không còn cách nào khác là giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đầu ra an toàn, được bao tiêu giá thành cao… thì không còn cách nào các là dần thay đổi tập hoán sản xuất theo khuyến cáo của chuyên gia khoa học và ngành nông nghiệp”.
Theo đồng chí Nưng, vùng đất sản xuất của huyện An Minh có nhiều điểm tương đồng như vùng đất ven biển của tỉnh Sóc Trăng - nơi anh hùng lao động Hồ Quang Cua cùng các cộng sự tạo ra một số giống lúa chất lượng cao, có giá trị ngon và mang lại nhiều lợi nhuận. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy An Minh và Đảng ủy xã Đông Hòa, từ những năm 2003-2024, ấp Trung Hòa cũng đã lãnh đạo nhân dân chuyển đổi theo mô hình lúa - tôm, tuy nhiên việc canh tác lúa của nông dân vẫn theo tập hoán cũ. “Mãi đến tháng 2-2018, Chi bộ, ban lãnh đạo ấp phối hợp ngành chuyên môn tỉnh, huyện An Minh, xã Đông Hòa thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Lực mới thật sự dần thay đổi tập hoán sản xuất nông nghiệp của người dân. Mục đích hướng đến là sản xuất lúa - tôm theo hướng sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản, mang lại lợi nhuận cho người nông dân”, đồng chí Mai Trung Nưng cho biết thêm.
Khi mới thành lập, Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Lực có 20 thành viên, nay lên đến nay có 50 thành viên, thực hiện gieo cấy trên diện tích hơn 200 hecta. Ông Nguyễn Minh Dân - Giám đốc Hợp tác xã Hiệp Lực chi biết, các hộ tham gia Hợp tác xã được tập huấn quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục cho phép; sử dụng các loại thuốc sinh học để góp phần bảo vệ môi trường và sản phẩm an toàn. Ngay đầu vụ, nông dân trong và ngoài Hợp tác xã được tập huấn quy trình kỹ thuật ươm giống, nuôi tôm sú và kỹ thuật canh tác lúa trong mô hình luân canh tôm - lúa; cán bộ kỹ thuật đã cùng với lãnh đạo hợp tác xã và nông dân trong vùng trực tiếp theo dõi xứ lý môi trường, chăm sóc tôm nuôi; đánh giá những ưu, nhược điểm để nông dân áp dụng quy trình sản xuất mới.
Ảnh: Máy gặt đập thu hoạch lúa trên nền đất tôm không sử dụng phân bón hóa học của nông dân ở ấp Trung Hòa.
Đối với vụ nuôi tôm sú, biện pháp kỹ thuật áp dụng, đã giúp nông dân nuôi tôm - lúa rút ngắn thời gian nuôi tôm từ 15 - 30 ngày so với phương thức nuôi truyền thống, giảm rủi ro do biến động môi trường nuôi hay dịch bệnh xảy ra. Áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng giống lúa chất lượng cao là TS 25, với mật độ là 80-100 kg/hecta và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân an tâm sản xuất ổn định theo chuỗi giá trị nông sản, nâng cao thêm thu nhập. “Bình quân các xã viên có lợi nhuận hơn 21 triệu đồng/hecta, cao hơn từ 2 - 3 lần so với nông hộ áp dụng giải pháp truyền thống. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật từ mô hình nuôi tôm sú hai giai đoạn luân canh với trồng lúa theo hướng sử dụng phân bón hữu cơ góp phần giúp canh tác thích ứng biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Minh Dân cho biết thêm.
Toàn ấp Trung Hòa có 260 hộ, với 1.126 nhân nhân khẩu, tham gia sản xuất 1.422 hecta đất nông nghiệp trồng lúa - nuôi tôm. Từ năm 2018 đến nay, cùng với vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ giúp nhân dân mang lại giá trị và bền vững, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 xuống còn 6 hộ. “Xác định việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ, bao tiêu sản phẩm là hướng đi đúng, nâng cao đời sống của người dân, tới đây Chi bộ, ban lãnh đạo ấp tiếp tục lãnh đạo, tuyên truyền nhân dân thay đổi tập hoán sản xuất, tham gia vào hợp tác xã để liên kết sản xuất, mở rộng diện tích để nâng cao giá trị hàng nông sản của nông dân”, đồng chí Mai Trung Nưng cho biết thêm.