Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

KIÊN GIANG: Triển vọng nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở xã đảo Thổ Châu (TP.Phú Quốc)

(16:19 | 08/07/2021)

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn cá tạp làm thức ăn dồi dào, ngư dân xã đảo Thổ Châu, TP.Phú Quốc (Kiên Giang) đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè trên biển, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền ở xã đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

TIỀM NĂNG NUÔI CÁ LỒNG BÈ

Xã đảo Thổ Châu có 8 hòn đảo lớn nhỏ, cách cách TP.Phú Quốc khoảng 110 km, cách trung tâm TP.Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 220 km. Nhiều năm qua, đời sống kinh tế của người dân xã đảo Thổ Châu vẫn chủ yếu dựa vào khai thác, nuôi thủy sản và buôn bán nhỏ. Đặc biệt, những năm gần đây nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở xã đảo xa xôi này rất có nhiều tiềm năng phát triển, nhiều hộ dân nơi đây đầu tư phát triển mạnh.

Được Chủ tịch Hội nông dân xã Thổ Châu dẫn đi bằng xe gắn máy ven sườn đảo Thổ Chu dài tầm 7 km, chúng tôi từ Bãi Ngự sang Bãi Dong - nơi có rất nhiều lồng bè đang được neo trôi nổi trên biển. Đến khu vực nuôi cá lồng bè trên biển của ông Trịnh Minh Khanh (52 tuổi, ngụ ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu) khi lứa cá bóp khoảng 5-6 kg chuẩn bị thu hoạch. Ông Khanh hồ hởi nói: “Hiện giá cá bớp có nhít lên chút ít, khoảng 140.000 đồng/kg. Với giá này, 2 bè với 8 lồng cá bớp của tôi giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lời khoảng 400 - 500 triệu đồng/vụ nuôi”.

Theo ông Khanh, cuối năm 2019 và 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ cá bớp gặp không ít khó khăn, thương lái thu mua chỉ khoảng 120.000 đồng/kg, thậm chí có lúc rớt xuống còn 90.000 đồng/kg. “Tuy nhiên, do nguồn cá tạp ở đây rẻ, dồi dào được mua từ các tàu ghe đánh bắt nên người dân nuôi cá bóp nơi đây không lỗ, mà lời ít. So với ngư dân nuôi cá lồng bè ở các xã đảo gần bờ thuộc Kiên Hải, Kiên Lương, thành phố Hà Tiên thì ngư dân nuôi cá lồng bè ở đây lời hơn. Bởi ở các địa phương đó nguồn cá tạp hiếm, giá thức ăn cho cá lại cao”, ông Khanh nói. Trên khuôn mặt còn đang ước đẫm mồ hôi vừa mua cá tạp về, ông Khanh khẳng định: “Nuôi cá bớp ở đây nếu có vốn, chịu khó đầu tư, cộng với giá cả hợp lý là nông dân có lãi, thậm chí lãi cao”.

Chúng tôi tiếp tục ghé thăm bè cá bớp, với 4 lồng thả nuôi gần 1 tháng của ông Nguyễn Văn Tấn (53 tuổi, ấp Bãi Ngự) cùng thời điểm ông đang cho cá ăn. Nhìn đàn cá đạt trọng lượng khoảng 1 kg, khỏe mạnh, đớp mồi liên tục, ông Tấn hồ hởi nói: “Cá giống từ thiên nhiên nên rất khỏe mạnh. Do là vùng biển xa đất liền nên nguồn nước ở đây rất sạch, không bị ô nhiễm. Không những vậy, ở đây còn có nguồn cá tạp nhiều, nên có thể phát triển nuôi cá lồng bè, mang lại lợi nhuận cho người dân”, ông Tấn cho biết.

Minh chứng cho lời nói của mình, ông Tấn cho biết, hộ của ông vừa thu hoạch xong 2 bè cá bóp vào đầu tháng 3-2021 vừa qua, sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Đây là năm thứ tư liên tiếp ông Tấn có lợi nhuận như trên. “Điều bà con ở đây quan tâm là đầu ra cá bớp, bóng mú ổn định để khi xuất bán đạt lợi nhuận cao sau một năm chăm sóc”, ông Nguyễn Văn Tấn cho biết.

 

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Tấn cho cá bớp ăn.

 

Theo UBND xã đảo Thổ Châu, hiện toàn xã đảo có 46 hộ nuôi hơn 100 lồng bè, chủ yếu là các loại hải sản có giá trị kinh tế cao, như cá bống mú, cá bớp… Năm 2020, sản lượng khai thác và nuôi thủy sản của xã đảo Thổ Châu đạt hơn 140 tấn, trong đó nuôi cá lồng bè đạt 48 tấn, mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng cho người dân. Đây là một trong những năm ngư dân xã Thổ Châu nuôi cá trúng mùa nhất từ trước đến nay nhờ điều kiện thời tiết, môi trường tự nhiên thuận lợi cộng với việc áp dụng kỹ thuật mới, kết hợp kinh nghiệm nuôi truyền thống. Mặc dù ảnh hưởng của Covid-19, thị trường tiêu thụ hạn chế, giá cả xuống thấp, nhưng nhiều hộ vẫn có lợi nhuận, tuy không cao.

Nhiều người dân nuôi cá lồng bè ở Thổ Châu hy vọng sau dịch Covid-19 chắc chắn sản lượng và lợi nhuận của bà con nuôi cá bớp sẽ tăng lên, tương xứng với tiềm năng này của xã đảo. 

XÂY DỰNG HỢP TÁC XÃ ĐỂ NÂNG GIÁ TRỊ VÀ LỢI NHUẬN

 Khi được hỏi về tiềm năng nuôi cá bớp của xã đảo, ông Nguyễn Thái Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thổ Châu cho biết, địa phương đang tham mưu ngành chức năng của thành phố Phú Quốc và kiến nghị tỉnh quy hoạch nuôi cá lồng bè trên biển theo hướng phát triển ổn định, bền vững. “Khi đó, chúng tôi sẽ xây dựng sản phẩm cá đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp cho thị trường, đặc biệt là tìm đầu ra, với giá cả ổn định. Ngoài ra địa phương sẽ kiến nghị hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung, tạo khoảng cách an toàn giữa các bè nuôi, vừa đảm bảo khả năng tự làm sạch môi trường, vừa chủ động ứng phó khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra”, ông Thông nói.

 

Ảnh: Ông Trịnh Minh Khanh phấn khởi với lứa cá bóp chuẩn bị thu hoạch.

 

Theo ông Thông, xã Thổ Châu cũng đang kiến nghị về trên hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật nuôi cá thương phẩm, phù hợp điều kiện tự nhiên nhằm tăng năng suất, sản lượng, giảm thiểu dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Để mang lại hiệu quả nuôi cá lồng bè ở xã đảo xa xôi, đến nay xã Thổ Châu đã thành lập được 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng bè, chuẩn bị xây dựng thêm 1 tổ hợp tác nữa. Sau khi có đủ điều kiện, xã Thổ Châu sẽ kiến nghị về trên cho thành lập Hợp tác xã nuôi cá lồng bè xã Thổ Châu để cùng liên kết, từ nguồn con giống, thức ăn, khâu chăm sóc đến đầu ra sản phẩm; đồng thời liên kết để được vay vốn mở rộng các lồng bè, quy mô lớn hơn. Song song đó, tăng cường quản lý mật độ nuôi, đảm bảo trật tự và tránh ô nhiễm môi trường.

“Làm gì cũng khó khăn, phức tạp. Nuôi cá lồng bè cũng vậy”, các hộ dân nuôi cá lồng bè ở Thổ Châu cho biết. Theo bà con, ngoài những thuận lợi trên, nghề nuôi cá lồng bè trên biển ở xã đảo Thổ Châu vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. “Đa phần lồng bè còn thô sơ, làm bằng cây gỗ, khả năng chịu sóng gió kém. Không những vậy, hàng năm bà con nuôi cá lồng bè phải buộc chuyển bãi, từ Bãi Dông (từ tháng 4 đến tháng 8) sang Bãi Ngự (từ tháng 9 đến tháng tư) để tránh sóng, gió thổi, gây nhiều tốn kém chi phí”, ông Trịnh Minh Khanh cho biết.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm nuôi của nhiều hộ dân khác, con cá giống được ngư dân nuôi cá lồng bè ở xã Thổ Châu chủ yếu lấy từ tự nhiên, nên chưa qua việc chọn lọc kỹ thuật, chưa đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm, nên tỷ lệ hao hụt cao, chậm lớn. Thức ăn cho cá là các loại cá tạp nên khó bảo quản, dễ gây ô nhiễm môi trường khi nuôi tập trung khiến dịch bệnh xảy ra với tần suất ngày càng cao.

Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá chưa chú ý tới việc liên kết nhóm và theo chuỗi sản xuất, chủ yếu nuôi tự phát nên hiệu quả kinh tế chưa cao và chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất. “Tới đây, khi có đê chắn sóng, cùng với việc hướng đến xây dựng Hợp tác xã nuôi cá lồng bè xã Thổ Châu, dịch bệnh COVID-19 đi qua thị trường tiêu thụ mạnh… thì những bất cập này sẽ được cải thiện, từ đó giúp ngư dân nuôi cá mang lại sản lượng và lợi nhuận”, ông Nguyễn Thái Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thổ Châu, cho biết thêm.

 

Ảnh: Khách tham quan mô hình nuôi cá bớp ở Thổ Châu.

 

Thổ Châu là xã đảo xa xôi nhất của vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Ở đây không chỉ có lực lượng vũ trang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ biển trời của Tổ quốc, mà còn có gần 500 hộ, với khoảng 2.000 hộ dân định cư, sinh sống. Người dân trên xã đảo Thổ Châu không chỉ mở mang các dịch vụ, nhu yếu phẩm để phục vụ ngư phủ các tàu ghe đánh bắt cá trên biển mỗi khi cập vào đảo. Đặc biệt, biển đảo Thổ Châu trong xanh, bờ biển đẹp. Những năm gần đây, xã đảo tiền tiêu này đang từng bước khơi tiềm năng phát triển kinh tế nuôi cá lồng bè trên biển và du lịch.

Chia tay xã đảo sau hơn 3 ngày tìm hiểu, trải nghiệm và minh chứng hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng bè của người dân, chúng tôi tin chắc rằng, tương lai không xa, người dân nơi đây sẽ giàu lên từ nuôi cá lồng bè trên biển và du lịch thiên nhiên. Từ đó, người dân yên tâm bám trụ, cùng với lực lượng vũ trang đoàn kết bảo vệ vững chắc quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Lê Vinh-PV Báo Kiên Giang