Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Những kết quả nổi bật của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh

(23:10 | 25/06/2024)

Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh cho vay đúng đối tượng, đúng mục, bảo toàn nguồn vốn, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Hội Nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Nhiệm kỳ 2018-2023, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 50,4 tỷ đồng, tăng 19,1 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, trong đó Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 17,4 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện hơn 33 tỷ đồng, vốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác gần 9,3 tỷ đồng. Doanh số cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh giai đoạn 2018-2023 đạt 96,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 4.529 lượt hội viên, nông dân vay vốn thông qua 672 mô hình dự án. Các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được thực hiện đúng quy định, quy trình, đối tượng, lĩnh vực cho vay phù hợp với điều kiện, thế mạnh và quy hoạch của từng địa phương, từ đó phát huy hiệu quả tối đa nguồn vốn. Chất lượng cho vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân được đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp.

Nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tạo điều kiện thúc đẩy việc thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, là tiền đề xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã - nhân tố quan trọng của việc liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp ở nông thôn. Qua đó, góp phần tạo ra một số sản phẩm chủ lực có chất lượng, được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh… Quỹ Hỗ trợ nông dân đã đầu tư 42 dự án hợp tác xã, 50 dự án tổ hợp tác, 23 dự án Chi Hội nông dân nghề nghiệp, 21 dự án tổ hội nông dân nghề nghiệp và 396 dự án nhóm hộ liên kết sản xuất.

 

Ảnh: Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (thứ ba, từ trái qua) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trồng khóm kết hợp nuôi tôm của hội viên nông dân xã Vĩnh Phước A (Gò Quao). Ảnh: ĐẶNG LINH.

 

Cùng với việc hỗ trợ vốn, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp còn chú trọng phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người vay trước khi nhận vốn, nhằm giúp cho người vay phát huy hiệu quả vốn vay, qua đó giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Với sự lãnh đạo, điều hành của Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp, những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đã góp phần đáng kể vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của hội viên nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 4,14% năm 2018 còn 1,28% năm 2023.

 

Ảnh: Đồng chí Võ Thị Thanh Bình - Phó Chánh Văn phòng, Phó Giám đốc Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho dự án trồng màu của nông dân xã Mỹ Thuận (Hòn Đất). Ảnh: ĐẶNG LINH.

 

Với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần ngăn chặn tình trạng tín dụng đen ở nông thôn, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh có 350.383 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ, giúp đỡ 2.184 hộ nông dân thoát nghèo. Phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân còn là điều kiện tập hợp, thu hút nông dân tham gia tổ chức hội, củng cố tổ chức hội vững mạnh, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh đạt 186.296 hội viên, 1.135 chi hội nông dân, 8.452 tổ hội nông dân.

Nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân các cấp cần tiếp tục tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa, vai trò, kết quả của Quỹ Hỗ trợ nông dân trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp, các ngành, tổ chức, cán bộ, hội viên, nông dân và các tầng lớp nhân dân hiểu, đồng thuận, tạo điều kiện ủng hộ xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; xây dựng đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân theo Nghị định số 37/2023/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt; đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và bổ sung kinh phí ngân sách; đẩy mạnh vận động ủng hộ nguồn ngoài ngân sách. Song song đó, xây dựng các mô hình, điển hình từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, có sức lan tỏa, gắn với xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp nhằm nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết, hợp tác xã ở nông thôn…

Thanh Bình-Quỹ HTND tỉnh