Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nhà nông cần biết

Xem với cỡ chữAA

HIỆU QUẢ MÔ HÌNH TRỒNG ỚT TỪ NGUỒN VỐN QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN HUYỆN

(15:28 | 13/08/2021)

Những năm qua, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã trợ giúp cho hội viên nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Lẹ, ấp Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng. Năm 2019 gia đình anh được vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện với số tiền 20 triệu đồng để chuyển đổi 5.000m2 đất trồng lúa nhiều năm không hiệu quả sang trồng ớt và đã cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Lẹ cho biết, nhờ vào việc chuyển đổi từ 5000m2 trồng lúa không hiệu quả sang trồng ớt, đến nay gia đình anh khấm khá hơn trước nhiều, nếu trồng lúa thì mỗi vụ sau khi trừ hết chi phí còn lời khoảng 8 - 10 triệu đồng, nhưng thời gian lại kéo dài 95 – 100 ngày nên tính ra thu nhập không cao. Do làm lúa nhiều năm mà hiệu quả kinh tế không cao nên vợ chồng anh Lẹ đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, chọn cây ớt làm cây trồng chính. Hiện nay, với diện tích 5.000m2 ớt của anh Lẹ cho thu hoạch hơn 12 tấn ớt thương phẩm, bán giá bình quân 20.000 – 30.000 đồng/kg, thu nhập trên 300 triệu đồng, trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình anh Lẹ còn lãi gần 200 triệu đồng.

Anh Lẹ chia sẻ, trước khi gieo hạt ớt giống vào bầu ươm, cần phun thuốc phòng ngừa kiến và các loại côn trùng phá hại khác để giúp cho ớt nảy mầm tốt. Mỗi bầu, gieo ươm từ 1-2 hạt. Lúc ớt lên cây được 20 ngày, mở bầu đem trồng xuống đất đã được đào rãnh, lên liếp cao và tưới nước từ 1 - 2 lần/ngày, Do bộ rễ cây ớt chịu úng kém nên trước khi đặt cây xuống đất, anh Lẹ thuê người làm cỏ, xới đất cẩn thận. Khi bón phân lót, cần kết hợp việc rải vôi bột dọc đều trên 2 luống của mặt liếp, có liều lượng từ 50 - 100 kg/1.000 m2, cùng với việc xịt thuốc sát trùng để xử lý dế, kiến và các loại côn trùng phá hại khác tránh làm hại cây ớt và phòng trừ bệnh héo cây con khi mới trồng.

 

Ảnh: Mô hình trồng ớt của Anh Nguyễn Văn Lẹ

 

Khâu chăm sóc ớt cũng rất đơn giản nhưng đòi hỏi phải tưới nước đủ ẩm, đảm bảo độ ẩm của đất đạt 70%. Anh Lẹ còn thuê nhân công làm sạch cỏ dại trong diện tích trồng ớt kết hợp với bón phân, vun gốc, tỉa cành... trước khi cây ra hoa. Thường xuyên loại bỏ những lá ớt già cỗi, lá bị bệnh dưới gốc nhằm giúp cây phát triển tốt, phòng ngừa được sâu bệnh phá hại. Khi ớt ra hoa, không cần bón phân urê mà chỉ bón phân NPK và xử lý ra hoa. Nhờ cần cù chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên sau 3 tháng vun trồng, 5.000m2 ruộng ớt của anh Lẹ đã thu hoạch đạt năng suất cao và bán được giá, cho lợi nhuận đáng kể.

Đánh giá về hiệu quả của các mô hình vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Huỳnh Quốc Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa cho biết, mô hình trồng ớt của anh Nguyễn Văn Lẹ đã cho lợi nhuận kinh tế cao từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Hiện nay, Hội Nông dân đang quản lý 06 dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện với số tiền 80 triệu đồng, các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tương trợ, trao đổi kinh nghiệm; phát huy hiệu quả nguồn vốn; đăng nộp phí và trả gốc đúng hạn. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã tham mưu Đảng ủy xã thành lập Ban vận động Quỹ HTND, triển khai đến Cán bộ, Hội viên, Nông dân và được hội viên, nông dân, doanh nghiệp trong và ngoài xã tích cực ủng hộ vốn cho Quỹ phát triển, giúp đỡ cho nhiều hội viên nông dân thiếu vốn có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi góp phần xây dựng xã nông thôn mới.

Văn Vô-HND Vĩnh Hòa (UMT)