Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, đoạn đê biển tại vàm Kim Quy, xã Vân Khánh bị đứt hoàn toàn khoảng 300m. Đoạn đê biển sạt lở cục bộ đến Tiểu Dừa có 14 điểm sạt lở dài 760m. Mặc dù tình trạng sạt lở đã gây thiệt hại nhà cửa, sản xuất của nhiều hộ dân sống ở khu vực đê biển, tuy nhiên, hiện 2 xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây còn khoảng 50 hộ sống trên đoạn đê này cần phải di dời, địa phương đang quyết liệt vận động nhân dân di dời nhà cửa để đảm bảo tài sản, tính mạng của bà con. Trước đó, ngày 3-8, do ảnh hưởng hoàn lưu áp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 3, tại 2 xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây (An Minh), mưa, dông đã làm 36 căn nhà sập hoàn toàn, 10 căn tốc mái, 80 hộ bị thiệt hại tài sản; ước tổng thiệt hại khoảng 6,75 tỷ đồng.
Ảnh: Đồng chí Mai Anh Nhịn (thứ hai, từ phải qua) – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thăm hỏi người dân vàm Kim Quy về tình hình thiệt hại do sạt lở tuyến đê biển.
Để bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng người dân, đồng chí Mai Anh Nhịn yêu cầu huyện An Minh rà soát lại số hộ dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, kịp thời triển khai việc cứu trợ, đồng thời, tiếp tục hỗ trợ người dân bị thiệt hại về nhà cửa do bão số 3 gây ra di dời đến nơi an toàn để tạm thời ổn định cuộc sống. Để khắc phục tình trạng sạt lở, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai công trình xử lý khẩn cấp chống sạt ở bờ biển An Biên - An Minh đoạn từ Tiểu Dừa - Rạch Ông và đoạn đoạn đê bị đứt tại vàm Kim Quy cùng các đoạn sạt lở cục bộ sát chân đê biển của huyện An Minh. Theo đồng chí Mai Anh Nhịn, ngày 20-8-2019, công trình sẽ tiến hành đổ cọc. Công trình được xây dựng bằng bê tông cốt thép, dài 250m, dự kiến cuối tháng 11-2019 công trình hoàn thành. Công trình này không chỉ bảo vệ bờ biển khu vực sạt lở, bảo vệ tính mạng người dân mà còn giúp khôi phục rừng ngập mặn và tạo sinh kế cho người dân ven biển. Đến tháng 11-2019, từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, tỉnh thực hiện đầu tư thêm một công trình xử lý chống sạt lở bằng kè chống phá sóng tại vàm Kim Quy, cách chân đê về hướng biển khoảng 150m để gây bồi, tạo bãi, phục hồi rừng phòng hộ ven biển với chiều dài từ Tiểu Dừa đến Xẻo Nhàu khoảng 10km.