Cổng thông tin điện tử Hội Nông Dân tỉnh Kiên Giang

Đối nội

Xem với cỡ chữAA

Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19

(10:57 | 05/05/2020)

 

Nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, ngày 13-3-2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Xung quanh việc triển khai thông tư này tại Kiên Giang, đồng chí Nguyễn Văn Kiệt - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang cho biết:

 

Thông tư số 01/2020/TT-NHNN được ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo chủ Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 14-2-2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2020. Thông tư đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

- Phóng viên: Theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN thì các khoản nợ nào cơ cấu lại thời hạn trả nợ?

- Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt: Theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN thì các khoản nợ được cơ cấu lại là số dư nợ gốc và/hoặc lãi, bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19; khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tiêu chí và thủ tục cơ cấu lại nợ theo quy định của từng tổ chức tín dụng.

 

 Ảnh: Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Kiên Giang hướng dẫn khách hàng thủ tục để được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ.

 

- Phóng viên: Việc miễn giảm lãi, phí thực hiện như thế nào?

- Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt: Theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dự nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt đông mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

- Phóng viên: Vậy các khoản nợ được cơ cấu lại, miễn giảm lãi có bị chuyển nhóm nợ không?

- Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt: Các khoản nợ được cơ cấu lại, miễn giảm lãi theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN được giữ nguyên như nhóm nợ trước thời điểm cơ cấu.

- Phóng viên: Viêc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng được ngành Ngân hàng triển khai ra sao?

- Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt: Ngay sau khi có các chỉ đạ của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện. Theo đó, từ 23-1-2020 đến 15-4-2020, trên địa bàn tỉnh có 1.700 tỷ đồng dư nợ đến kỳ hạn thanh toán của các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và các tổ chức tín dụng đang tiếp nhận và kịp thời xem xét thực hiện thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5%-3%/năm, theo đó đã cho vay mới 4.500 tỷ đồng nhằm khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh.

- Phóng viên: Định hướng của ngành Ngân hàng Kiên Giang trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt: Thời gian tới, ngành Ngân hàng Kiên Giang sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hường bởi dịch; tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn tiếp tục vay mới để khôi phục sản xuất. Song song đó, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang sẽ tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; đồng thời giám sát, theo dõi xử lý các trường hợp lợi dụng chính sách để làm sai lệch chủ trương hỗ trợ khắc phục dịch.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

BÍCH LINH-BAO KIÊN GIANG