Chiều cuối năm, chúng tôi gặp ông Phạm Văn Hùng đang ở trang trại cho đàn heo rừng ăn rau lang vừa được cắt quanh nhà. Khá bất ngờ vì đàn heo rừng không có răng nanh, lông dài và hung hãn như tưởng tượng của chúng tôi về loài heo rừng hoang dã. Những con heo rừng con mà ông Hùng nuôi trong chuồng khá mũm mĩm, căng tròn vì mới được 20 ngày tuổi. Trong 6 ô chuồng khá rộng rãi, hiện ông Hùng còn lại 26 con heo rừng lớn nhỏ sau đợt xuất bán gần 30 con heo rừng thịt cách đây hơn 1 tháng. “Mỗi năm tôi bán hơn 100 con heo rừng được nuôi hoàn toàn bằng rau xanh, thỉnh thoảng bận việc không cắt rau kịp thì đổ ít lúa tươi vào máng là chúng tự ăn no rồi đi ngủ. Trừ chi phí, tôi “bỏ túi” cũng hơn 200 triệu đồng mỗi năm”. Khi người tiêu dùng quá hoang mang với vấn nạn sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc như salbutamol trong chăn nuôi thì trang trại heo rừng của ông Bảy Hùng nghiễm nhiên trở thành địa chỉ tin cậy được bà con xa gần tìm đến. “Người ta mua về làm đám tiệc tại nhà vì thịt heo rừng ít mỡ, thịt ngon và an toàn vì chỉ nuôi bằng rau xanh, cỏ và lúa nên nhiều người ưa chuộng. Giá heo rừng lại luôn ổn định, không bấp bênh như heo thường”, ông Hùng nói.
Một lần thấy trên truyền hình giới thiệu mô hình nuôi heo rừng ở một tỉnh lân cận, ông Hùng thấy mê và quyết định tìm mua 1 cặp heo bố mẹ về để gầy đàn. Một điều khá thú vị là khi heo nái sinh con chúng sẽ tự làm ổ, sinh con mà không cần đến sự hỗ trợ của con người. “Lúc mới nuôi không biết nên mới tờ mờ sáng thấy mấy tàu dừa bị kéo gom thành đống lớn trong góc vườn, vợ chồng hết hồn không biết chuyện gì xảy ra. Đến khi thấy bầy heo con theo mẹ đi quanh vườn mới té ngửa đống lá dừa đó là do heo rừng cắn ổ chuẩn bị đẻ”, ông Hùng kể. Vốn chỉ quen với con tôm, cây lúa nên ban đầu ông Hùng chưa có kinh nghiệm ứng phó với loài heo rừng ít nhiều còn mang tính hoang dã. Có lần ông Hùng tưởng mình đã “tiêu xương mạng” với con heo rừng mới sinh con khi thấy ông tiến vào chuồng, như lời ông: “Lúc đó heo mẹ thấy tôi vào chuồng liền nhào tới tấn công gặm chặt tay không buông dù tôi dùng gậy đánh. Sau khi dùng cây vả vào mặt nó mấy cái cho nhả ra, tôi nhanh trí leo lên đòn tay của trại heo đợi nó dắt con vào ổ mới dám bước xuống. Heo mẹ chỉ tấn công người khác để bảo vệ con mình”.
Nhìn đàn heo rừng đùa giỡn quanh những gốc dừa lâu năm đã bị đàn heo rừng cạp mòn khá sâu, ông Hùng nói: “Heo rừng nếu thả lan răng nanh và lông rất dài. Chỉ khi nuôi chuồng heo mới có lông ngắn như heo thường”. Thấy heo rừng dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, dịch bệnh gần như không có mà hiệu quả đem lại khá cao, ông Hùng động viên anh em, hàng xóm nuôi theo. Đến nay ấp Thạnh Tây A đã có 5 hộ nuôi heo rừng từ 1-2 năm, trong khi một vài người khác nhắn ông chừa heo giống để nuôi thử. Chia sẻ định hướng tới, ông Hùng cho biết, ngoài bán số heo rừng giống đã được khách hàng dặn trước, ông sẽ ưu tiên bán trả chậm cho bà con nghèo trong ấp, bởi heo rừng dễ nuôi, vốn đầu tư ban đầu thấp, lại ít rủi ro, xem đây như việc làm thiết thực cùng địa phương giảm nghèo hiệu quả.
Ảnh: Ông Phạm Văn Hùng, ngụ ấp Thạnh Tây A, xã Đông Thạnh (An Minh) đang cho đàn heo rừng ăn rau lang.