Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

NÔNG DÂN NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

(10:04 | 22/11/2021)

Hoạt động nghiên cứu khoa học luôn song hành cùng với hoạt động sản xuất của người dân, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang với thế mạnh sản xuất nông nghiệp nên hoạt động nghiên cứu khoa học đã gắn liền với hoạt động sản xuất của người nông dân. Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học hầu hết tập trung vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã được người nông dân thụ hưởng, kế thừa, và ngược lại, một số phát minh, sáng chế, ý tưởng sáng tạo của người nông dân mang dáng dấp nghiên cứu khoa học càng ngày càng nhiều được hiện thực hóa vào đời sống sản xuất.

NÔNG DÂN HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TẠI TỈNH KIÊN GIANG

Sản xuất nông nghiệp là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do đó thời gian qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày càng gắn liền với đời sống sản xuất của địa phương, gắn liền với thực tiễn phát triển của xã hội.

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có tổng số 160 đề tài, dự án các cấp được phê duyệt triển khai thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh; trong đó có 90 đề tài, dự án (chiếm 56,3%) phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác nhau. Các nghiên cứu tập trung chuyển giao các tiến bộ KH&CN tiên tiến, triển khai các mô hình thí điểm, phổ biến các quy trình kỹ thuật sản xuất cho nông dân như: Ứng dụng các quy trình kỹ thuật hiện đại để nuôi thủy sản trên biển quy mô công nghiệp với công nghệ lồng nhựa HDPE; ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP; xây dựng các quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm các đối tượng thủy sản như ghẹ xanh, sò huyết, nghêu lụa, nhum, cá bóp, cá ngựa, cá chạch lấu, cá chim vây vàng, cá trê suối Phú Quốc, cá thát lát, tôm cành xanh toàn đực, tôm thẻ chân trắng; xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm lùa mùa một bụi lùn, khóm Tắc Cậu, măng cụt Hòa Thuận, sầu riêng Hòa Thuận, khoai lang bông súng, tiêu Phú Quốc, tiêu Hà Tiên, nấm rơm, nấm mèo, nấm bào ngư Nhật, nấm bào ngư xám, nấm Linh Chi,…) theo hướng bảo tồn và phát triển; nghiên cứu chọn tạo các giống lúa cao sản có khả năng chống chịu mặn tốt (6% suốt giai đoạn sinh trưởng), phục tráng các giống lúa mùa đặc sản của địa phương; xây dựng các quy trình xác định tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh, chất bảo quản trong rau, củ, quả, thịt, thủy sản; thiết kế, chế tạo hệ thống IoT tự động quan trắc và cảnh báo các thông số môi trường nước ứng dụng cho nuôi trồng thủy sản, mô hình sản xuất lúa - tôm… Tất cả các nghiên cứu này đều có sự tham gia, ứng dụng của người nông dân thông qua mô hình thí điểm. Đây là những nông dân tiến tiến, có tinh thần ham học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, không ngại khó khăn, mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm sản xuất, điển hình như một số nông dân sau:

 

Ảnh: Bà Hồ Kim Liên (thứ 4 từ bên phải) tham gia buổi hội thảo.

 

Ông Quách Ba, địa chỉ: Số 23A, đường Trần Khánh Dư, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã mạnh dạn tham gia làm chủ nhiệm dự án “Hoàn thiện hệ thống sấy lúa dạng tháp tuần hoàn, năng suất 30 tấn/mẻ” để nghiên cứu, chế tạo, hoàn thiện cụm thiết bị hệ thống sấy dạng tháp tuần hoàn nhằm nâng cao năng suất sấy, chất lượng lúa sau sấy; giảm giá thành sản xuất, đầu tư trang thiết bị; kiểm soát khói, bụi, giảm ô nhiễm môi trường.

Bà Hồ Kim Liên, địa chỉ: Số 11 đường Hùng Vương, khu phố 1, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tham gia thực hiện mô hình thí điểm các giải pháp nâng cao chất lượng nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc theo hướng giảm hàm lượng Histamine, Arsen, hạn chế đóng cặn trong nước mắm.

 

Ảnh: Ông Đinh Văn Cảnh (bìa trái) cùng đoàn kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình trồng rau cần nước.

 

Ông Đinh Văn Cảnh, địa chỉ: Ấp Kênh 3A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang tham gia thực hiện mô hình xuất rau cần nước (Oenanthe javanica Blume) tại huyện Tân Hiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sản xuất rau cần nước, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng rau cần nước trong khu vực, góp phần vào việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể rau cần nước của huyện Tân Hiệp.

 

Ảnh: Ông Huỳnh Văn Quýt đang kiểm tra vẹm xanh của mô hình nuôi thương phẩm ngoài bãi triều.

 

Ông Huỳnh Văn Quýt, địa chỉ: ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang tham gia thực hiện mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm vẹm xanh trong ao đất và ngoài bãi triều nhằm hoàn thiện các quy trình kỹ thuật phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương, hướng đến đa dạng hóa đối tượng nuôi cho người dân ven biển.

Ông Thái Tổ Trấn, địa chỉ: Tổ 5, ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã mạnh dạn đề xuất tham gia chủ trì đầu tư hệ thống lồng nhựa HPDE quy mô lớn để ương giống, nuôi thương phẩm cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) trên vùng biển Phú Quốc nhằm mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản xa bờ, quy mô công nghiệp trên vùng biển tỉnh Kiên Giang.

 

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương (thứ 2 từ phải) cùng tham gia kiểm tra mô hình.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, địa chỉ: Khu phố B, Thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang tham gia mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín. Mô hình trồng nấm rơm có mái che, kết hợp hệ thống tưới phun sương, lắp đặt hệ thống máy sưởi, thiết bị theo dõi nhiệt độ, ẩm độ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng nấm đảm bảo thị hiếu của ngưới tiêu dùng.

Bên cạnh đó, xuất phát từ mục đích, mong muốn hạn chế sức lao động mà vẫn đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, nhiều nông dân đã tự mày mò, nghiên cứu, chế tạo, cải tiến thành công nhiều máy móc nông nghiệp, xử lý nước thải chăn nuôi… được ứng dụng trong thực tế, giúp nhà nông giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều nông dân tham gia các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và đã được đánh giá cao của Hội đồng, như: Ông Nguyễn Văn Mười (Hòn Đất) sáng chế xe 3 trong 1: Sạ lúa, sạ phân và phun thuốc bảo vệ thực vật (Đạt giải 3). Ông Nguyễn Thanh Hùng (Tân Hiệp) sáng chế xe ben đổ đất trên nhiều vùng đất không bị lúng, chạy nhanh, ít tiêu hao nhiên liệu (Đạt giải 3)….

MỘT SỐ KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC CỦA NÔNG DÂN TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Đa số các mô hình khoa học triển khai sử dụng một số thiết bị, dụng cụ tiên tiến, hiện đại áp dụng vào thực tế sản xuất của mô hình. Tuy nhiên trình độ của nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến sử dụng chưa hiệu quả, chưa phát huy hết tác dụng của các trang thiết bị, dụng cụ được đầu tư. Do đó, vấn đề đào tạo nâng cao trình độ của người nông dân là một trong những yếu tố quyết định trong việc tiếp cận những tiến bộ khoa học công nghệ mới mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang đến cho ngành nông nghiệp.

Hoạt động nghiên cứu khoa học không chỉ cần sự sáng tạo, tư duy, cần cù, tỉ mỉ mà còn cần có nguồn vốn đầu tư khá lớn, song phần lớn nông dân thiếu vốn đầu tư. Trong khi đó, nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ còn khá hạn hẹp, mức hỗ trợ còn thấp và chưa có nhiều nông dân được tiếp cận với nguồn kinh phí này. Chính vì vậy mà còn nhiều ý tưởng sáng tạo của người dân chưa được hiện thực hóa.

Nhiều nông dân có khả năng sáng tạo, cải tiến các trang thiết bị áp dụng rất tốt vào sản xuất; tuy nhiên họ lại không có kinh nghiệm trong việc xây dựng hồ sơ để tham gia vào các cuộc thi, hội thi, đăng ký bản quyền sáng chế,… Nếu có sự hỗ trợ của nhà nước, nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu thì những thành quả đạt được của người nông dân sẽ được nâng lên.

Nghiên cứu khoa học cũng có tính may rủi nhất định, bên cạnh những thành công đạt được thì cũng có không ít những thất bại đi cùng.

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG THỜI GIAN TỚI

Một là, tập trung triển khai thực hiện các nghiên cứu nhằm thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động KH&CN, trong đó ưu tiên cho chuyển giao, ứng dụng nhằm làm chủ công nghệ trong các ngành, các lĩnh vực để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững và có chiều sâu; phát triển toàn diện thế mạnh sản xuất nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch; đặc biệt là công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Ba là, khuyến khích và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường KH&CN, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt gắn kết các chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) thuộc ngành nông nghiệp; chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thuộc ngành Công Thương; chương trình hỗ trợ Sở hữu trí tuệ thuộc ngành KH&CN để giúp nông dân được lợi nhiều nhất từ các chương trình.

Bốn là, nghiên cứu, đề xuất đổi mới, phát triển chất lượng nguồn nhân lực KH&CN phục vụ nông nghiệp nhằm giúp nông dân nâng cao trình độ, tham gia nhiều hơn trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và có nhiều đóng góp, cống hiến hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học của tỉnh nhà./.

TS. Nguyễn Xuân Niệm-PGĐ Sở KH&CN Kiên Giang