Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Người nông dân mới

Xem với cỡ chữAA

NGHỀ SẢN XUẤT MẮM RUỐC TRUYỀN THỐNG GIÚP BÀ CON KHMER XÃ BÌNH AN, HUYỆN KIÊN LƯƠNG LÀM GIÀU

(16:34 | 19/12/2019)

 

Sản xuất mắm ruốc là nghề truyền thống lâu đời của người dân ở xã Bình An, huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang. Tuy là nghề dân dã, nhưng nghề mắm ruốc đã giúp người dân ở xã Bình An, huyện Kiên Lương có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

 

Bình An là xã nằm ven bờ biển dài của huyện Kiên Lương, đây cũng là nơi có con ruốc sinh sống và phát triển nhiều và được người dân khai thác để làm khô hoặc làm mắm. Con ruốc là dạng con tép nhỏ, thường phát triển nhiều trong tầm từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch. Cứ đến mùa ruốc lên, bà con nơi đây có thêm thu nhập khá từ nghề ruốc.

Chị Châu Thị Mỹ Linh, ở ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương là một trong những hộ khá giả từ nghề làm mắm ruốc. Gia đình chị có truyền thống hơn 40 năm làm nghề ruốc và chị là người nối nghề của gia đình cho đến tận hôm nay. Ngoài tự khai thác, Chị Linh còn thu mua ruốc tươi của bà con trong ấp để sản xuất thêm. Hàng năm, gia đình chị Linh cung ra thị trường trên 5 tấn ruốc các loại như: mắm ruốc khô, mắm ruốc chua, ruốc phơi khô… được các thương lái ở các tỉnh An Giang, Cần thơ, Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng thu mua. Ngoài ra, chị còn bán cho khách du lịch khi đến tham quan Hà Tiên - Kiên Lương. Hiện nay, mắm ruốc của gia đình chị sản xuất ra được bán với giá từ 50 đến 60 ngàn đồng/kg, với nghề làm mắm ruốc truyền thống, hàng năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị Châu Thị Mỹ Linh thu lời trên 150 triệu đồng. Từ đó, mà mà cuộc sống gia đình ngày càng khám khá. Chị Châu Thị Mỹ Linh, ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, thông tin: “Gia đình làm nghề ruốc từ thời ông bà, nên tôi tiếp tục nối nghề để giữ thương hiệu mắm ruốc của gia đình. Làm nghề này tuy hơi cực nhưng mang lại lợi nhuận cũng khá cao, tôi làm mắm để giữ trữ bán cả năm, nếu bán hết cũng lời trên 150 triệu đồng. Từ đó mà kinh tế gia đình cũng ổn định hơn”.

 

 Ảnh: Chị Châu Thị Mỹ Linh, ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương đang trộn ruốc và phơi ruốc

 

Nghề làm ruốc tuy đơn giản nhưng cần phải có kinh nghiệm mới có thể tạo ra sản phẩm mắm ruốc thơm ngon, đặc biệt là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công đoạn sản xuất mắm ruốc của gia đình chị Linh hoàn toàn được làm bằng thủ công. Con ruốc sau khi được khai thác từ biển lên, phải được lựa bỏ những con cá tạp, sau đó rửa con ruốc thật sạch, để ráo nước, xong mang ruốc ướp muối, ủ từ 2 đến 3 đêm, sau đó đem phơi khô, sau đó bỏ vào cối lớn giã thật nhuyễn. Ruốc khô để thời gian càng lâu thì ruốc càng có mùi vị thơm ngon. Còn mắm ruốc chua, chỉ cần ủ từ 3 đến 4 đêm, sau đó để cho khô nước, trộn thính, đường và ủ đến khi nào có vị chua là dùng được. Chị Châu Thị Mỹ Linh, ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, chia sẽ thêm: “Sản xuất mắm ruốc quan trọng là phải giữ vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng. Có như vậy thì mắm mới được nhiều người tin dùng. Ngoài bán cho khách du lịch, thì tôi còn bỏ mối ở An Giang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm mắm ruốc của gia đình tôi được khách tin dùng rất nhiều”.

Mắm ruốc có thể xem là một thứ gia vị độc đáo cho những món ăn quen thuộc, có thể dùng làm nước chấm trong bữa ăn, xào thịt hay kho cá đều ngon. Cũng nhờ những món ăn dân dã, đậm đà mùi vị của quê hương, nên bà con ở xã Bình An, huyện Kiên Lương luôn bám biển, bám nghề để mưu sinh và tạo ra những sản phẩm đặc sản mang lại thu nhập khá cho người dân ở địa phương.

Hiện nay, ở xã Bình An, huyện Kiên Lương không chỉ có nghề truyền thống sản xuất mắm ruốc mà còn có nghề truyền thống làm đường thốt nốt, hồ tiêu cũng mang lại thu nhập ổn định cho bà con nơi đây. Hiện nay, bà con Khmer ở xã Bình An, huyện Kiên Lương còn biết cách làm dịch vụ du lịch, kinh doanh, buôn bán từ những sản vật tại địa phương như bánh thốt nốt, đường thốt nốt, tiêu, mắm ruốc, mắm cá và nhiều loại hải sản khác. Từ những tư duy, sáng tạo, có cách làm hay và không ngừng tăng gia lao động sản xuất, đến nay đời sống của bà con Khmer ở xã Bình An, huyện Kiên Lương đã có bước phát triển đáng kể cả về vật chất lẫn tinh thần. ông Trịnh Văn Mịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình An, huyện Kiên Lương, thông tin thêm: “Hiện nay trên địa bàn xã Bình An đồng bào dân tộc Khmer khôi phục lại các nghề truyền thống như: Nghề làm bánh thốt nốt, mắm ruốc, làm đường thốt nốt cho nên bà con có điều kiện phát triển kinh tế, ngoài ra trên địa bàn xã là nơi du lịch cho nên bà con ở gần nơi đây cũng làm dịch vụ du lịch, từ đó thu nhập đời sống của bà con Khmer ngày càng nâng lên, các lễ hội truyền thống của bà con đồng bào Khmer được duy trì và phát triển. Chính vì vậy trên địa bàn xã Bình An cộng đồng ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer sống đoàn kết cùng chung tay phát triển xây dựng nông thôn mới”.

Để lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của nghề truyền thống, cũng như đẩy mạnh việc tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế ở địa phương, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành để tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận nguồn vốn chính sách lãi suất thấp, thị trường đầu ra ổn định… Có như thế thì nghề truyền thống mới duy trì và phát triển bền vững.

THANH TUẤN-HND KIÊN LƯƠNG