Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Người nông dân mới

Xem với cỡ chữAA

TRIỆU PHÚ “HAI LÚA” Ở HUYỆN NÔNG THÔN MỚI TÂN HIỆP

(16:31 | 14/01/2020)

 

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, huyện Tân Hiệp đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình tiên tiến, trở thành những triệu phú “Hai Lúa” với nhiều cách làm giàu chân chính.

 

6 năm trước, anh Danh Nhạnh, ngụ ấp Đông Thọ B, xã Thạnh Trị chuyển đổi 3 công đất lúa sang trồng dưa leo. Vụ đầu tiên anh Nhạnh lỗ vốn do chi phí lên liếp khá cao, lại thiếu kỹ thuật nên năng suất dưa leo đạt thấp. Không nản chí, anh tiếp tục trồng dưa leo, đúc rút kinh nghiệm để dần hoàn thiện quy trình canh tác và thành công với mô hình trồng dưa leo bằng màng phủ nông nghiệp. Anh Nhạnh nói: “Mùa nước nổi khó trồng rẫy nhưng trồng được thì rất được giá. 3 công dưa leo này, mỗi ngày thu hoạch từ 700kg đến 1 tấn dưa, thu hoạch đến hết mùa có thể được 18 tấn dưa”. Với giá bán dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg, anh Nhạnh lời hơn 100 triệu đồng sau 2 tháng canh tác. Bình quân mỗi năm anh Nhạnh trồng 3 vụ màu, thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Những lúc cao điểm thu hoạch rộ, anh Nhạnh còn tạo việc làm cho 4 lao động địa phương.

Nhiều người cho rằng nghề nông vất vả, thu nhập lại không đáng bao nhiêu nhưng ông Trần Văn Lắm, ngụ ấp Đập Đá, xã Tân Hội thì làm giàu nhờ vào ruộng đồng. Hồi mới lập nghiệp, ông Lắm được cha mẹ cắt cho 9 công ruộng. Làm ruộng, chăn nuôi heo, nuôi vịt, nhờ cần cù nên vài năm sau đó, vợ chồng ông mua thêm đất ruộng. Thấy bà con trong ấp phải đi thật xa để mua vật tư nông nghiệp vừa tốn chi phí lại mất thời gian nên ông quyết định mở cơ sở kinh doanh. Làm ăn thuận lợi, đến năm 2000 ông Lắm thành lập đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Hiện đại lý của ông thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Với 7,7ha ruộng canh tác lúa 3 vụ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cho năng suất từ 6,5-8 tấn/ha, trừ hết chi phí, ông Lắm lãi  hơn 350 triệu đồng.

 

 

Ảnh: Đồng chí Trần Minh Hoàng (bìa trái) - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Hiệp và ông Dương Văn Đời đang kiểm tra mạ chuẩn bị cho vụ đông xuân 2019-2020.

 

Vừa thu hoạch cá nuôi trên ruộng xong, ông Đời liền cho kober vào gia cố bờ bao xung quanh diện tích ruộng của gia đình. Đứng trên bờ ruộng, ông Đời, cho biết: “Mỗi năm sau 2 vụ lúa, tôi bắt vài ngàn con vịt đẻ thả vô ruộng để ăn lúa chét, ốc, mùa nước nổi thì thả cá nuôi trên ruộng. Nhờ nuôi cá mà ruộng sạch sâu bọ hại lúa vụ sau, lại có thêm thu nhập hơn 80 triệu đồng mỗi khi rút nước sạ lúa đông xuân”. Cá nuôi trên ruộng, ông Đời chon cá tra, cá mè, tận dụng gốc rạ của vụ lúa hè thu làm nguồn thức ăn thiên nhiên cho cá trong suốt mùa nước nổi. Đàn vịt đẻ được mua từ nơi khác về có nhiệm vụ ăn ốc, lúa rơi vãi trên ruộng nên không phải tốn chi phí thức ăn mà vẫn cho trứng rất khỏe, vụ này ông Đời lãi 30 triệu đồng.

Kinh tế gia đình khá giả, nhưng vợ chồng ông Đời vẫn luôn giữ sự cần mẫn, siêng năng như ngày còn khó khăn. Hễ xã, ấp vận động làm cầu, đường, tặng quà cho người nghèo, vợ chồng ông đều nhiệt tình ủng hộ. Từ 10 công đất lung phèn cha mẹ cho lúc mới ra riêng, sau 25 miệt mài với đồng đất, vợ chồng ông Dương Văn Đời hiện sở hữu 103 công công ruộng, cho lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/năm. Kể về quá trình vươn lên của gia đình, ông Đời cho biết, ngày xưa dù không không khá giả nhưng hễ dành dụm được tiền là mua thêm đất ruộng. Không có tiền mua đất tốt, vợ chồng ông mua đất lung giá rẻ, rồi lần hồi bồi thêm đất từ nơi khác về để ruộng bằng phẳng. “Nhiều người thấy tôi mua đất lung, cứ cười rồi bảo nên trồng ấu, trồng lá. Tôi vẫn kiên trì sạ lúa, mỗi vụ đem đất từ nơi khác về bồi đắp, lần hồi ruộng cũng bớt phèn, năng suất lúa dần tăng lên”, ông Đời nói. Không chỉ cần cù, chịu khó, ông Đời còn là điển hình trong phong trào nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đi đầu trong chuyển đổi từ sạ dày sang cấy lúa để giảm chi phí, tăng lợi theo chủ trương của huyện.

AN LÂM-PV BÁO KIÊN GIANG