“Có được kết quả này là quá trình tôi liên tục học hỏi kinh nghiệm những người nuôi tôm đi trước, cộng với việc vào Đảng, được hội họp, am hiểu chủ trương của cấp ủy các cấp, tiếp cận với các lớp tập huấn, được hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật”, anh Thạch Le Ne cho biết.
Những năm 2000, anh Thạch Le Ne theo cha mẹ cùng với 5 người anh em của mình từ tỉnh Trà Vinh về sinh sống ở xã Vĩnh Phú (Giang Thành). Tại đây anh Thạch Le Ne cùng gia đình mua đất có nhiều năng, cỏ bàng với giá rẻ và khai thác để trồng lúa. Những năm đầu, khi mà cơ giớ hóa còn ít, trong khi đó chuột liên tiếp phá hoại mùa màng, lúa thất bát, cuộc sống gia đình anh Ne gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, anh Thạch Le Ne có vợ, rồi 2 con sau đó. Cuộc sống trồng lúa 2 vụ không mấy khấm khá, buộc anh Ne phải tìm hướng đi mới.
Sau khi thăm dò đây đó, tìm hiểu qua nhiều người có kinh nghiệm, đầu năm 2018 anh Thạch Le Ne đưa gia đình nhỏ gồm vợ và 2 con của mình về vùng đất mới thuộc ấp Tà Săng. Tại đây, anh Ne dốc vốn mua 2 hecta đất nhiều năng, cỏ nước mặn. Vùng đất này khác hẳn với xã Vĩnh Phú là không thể trồng lúa 2 vụ, mà chỉ thích hợp nuôi tôm, cua và thế là anh Ne lại lặn lội tìm phương pháp để nuôi, tôm cua hiệu quả. Anh Ne nhiều lần về tận Trà Vinh gặp tại người thân, bạn bè từng muôi tôm, cua hiệu quả ở vùng ven biển của tỉnh này để học hỏi kinh nghiệm. Về ấp Tà Săng, anh Thạch Le Ne liên hệ chính quyền địa phương về chủ trương quy hoạch, phát triển vùng nuôi tôm của xã Dương Hòa; đồng thời xin vào Đảng để có điều kiện gắn bó với chi bộ ấp Tà Săng.
Ảnh: Anh Thạch Le Ne thu hoạch tôm quảng canh.
Kế hoạch và chiến lược trên vùng đất mới đã rõ, anh Thạch Le Ne quyết tâm làm giàu và đóng góp nhiều hơn cho Tà Săng. Cuối năm 2018, Thạch Le Ne cải tạo lại 2 hecta nuôi tôm quảng canh, tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ nuôi tôm quảng canh do tỉnh, huyện, xã phối hợp tổ chức cho nông dân trên địa bàn. Và thế là kết quả ngoài sự mong đợi, vụ tôm nuôi cuối năm 2018, anh Thạch Le Ne thắng lớn, với doanh thu gần 200 triệu đồng. Có tiền tích lũy, cùng với mượn cha mẹ, anh Thạch Le Ne mua thêm 18 hecta đất liền kề, nâng tổng số diện tích đất lên 20 hecta (tương đương 200 công đất).
Có tư liệu sản xuất, hiệu quả sản xuất càng mang lại hiệu quả. Từ 200 công đất nuôi tôm quảng cảnh, cộng với xen cua kết hợp 2 vụ/năm, từ 200 công đất, anh Thạch Le Ne thu về từ 600-800 triệu đồng/2 vụ/năm. “Để nuôi tôm quảng canh hiệu quả thì việc thả con giống xuống đợi thu hoạch thì chưa đủ, người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi xuyên xuốt quá trình sinh trưởng của tôm. Tùy từng thời điểm mà chủ động gây tảo, rong làm thức ăn thiên nhiên cho tôm nuôi khỏe mạnh, kết hợp với đảm bảo nguồn nước thích hợp cho tôm”, anh Ne chia sẽ kinh nghiệm. Ngoài ra, theo anh Thạch Le Ne, để mang lại lợi nhuận thì người nuôi tôm cũng cần tính toán thời điểm thu hoạch bán tôm để được giá thành cao. Cũng từ suy nghĩ này, năm 2020, anh Thạch Le Ne chủ động bàn với chi bộ ấp Tà Săng và lãnh đạo xã Dương Hòa xin thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Núi Mây, ấp Tà Săng do anh làm giám đốc. Hiện, Hợp tác xã bước đầu mang lại hiệu quả trong việc cung ứng con giống, thức ăn, vôi và liên kết thương lái, doanh nghiệp thu mua tìm đầu ra cho sản phẩm tôm, cua trên địa bàn.
“Anh Thạch Le Ne là tấm gương sáng trong đồng bào dân tộc Khmer ở đây. Anh không chỉ giỏi trong nuôi tôm, cua, mà còn là đảng viên tích cực tham gia các hoạt động, phòng trào, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương”, anh Danh Xề Rây - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tà Săng nhận xét. Anh Danh Xề Rây còn cho biết thêm: “Nhìn căn nhà thô sơ giữa đồng trống của anh Thạch Le Ne ít ai nghĩ rằng đó là một tỷ phú về kinh nghiệm nuôi tôm và nuôi tôm hiệu quả. Anh Ne thừa sức cất ngôi nhà cả tỷ đồng”.