Cổng thông tin điện tử Hội Nông Dân tỉnh Kiên Giang

Người nông dân mới

Xem với cỡ chữAA

Chị Thị Dậy sản xuất giỏi, công tác tốt

(14:43 | 15/10/2020)

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chị Thị Dậy - Chi hội trưởng cả hai Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân ấp Ngọc Bình, xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng) còn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền.

VẬN ĐỘNG MUA BẢO HIỂM Y TẾ

12 năm tham gia Chi hội Phụ nữ ấp Ngọc Bình, những mô hình chị Thị Dậy xây dựng luôn có hiệu quả thiết thực. Như việc phát động phụ nữ thực hành tiết kiệm góp vốn xoay vòng không tính lãi để mua bảo hiểm y tế (BHYT). Chị Dậy nói: “BHYT rất cần thiết cho người dân trong khám, chữa bệnh, tuy nhiên một số hộ dân không đủ khả năng mua BHYT cho cả gia đình. Do đó, họ rất e ngại đi khám, chữa bệnh mà chỉ mua thuốc uống khi có bệnh, nên không kịp thời phát hiện khi bệnh nặng”.

Để thành lập mô hình góp vốn xoay vòng mua BHYT, chị Dậy phát động chị em hội viên trong ấp thực hiện. Mới thành lập chỉ có 1 tổ với 6 thành viên, mỗi thành viên đóng 200.000 đồng/tháng xoay vòng vốn. Đến nay đã vận động mở rộng được 2 tổ với 12 thành viên, mức đóng góp 300.000 đồng/tháng giúp các thành viên có hoàn cảnh khó khăn mua BHYT cho bản thân và gia đình. Bà Thị Phượng, ngụ ấp Ngọc Bình cho biết: “Tham gia góp vốn mua BHYT,  chị em gần gũi, đoàn kết hơn, ưu tiên người khó khăn nhất. Nhờ góp tiền mua thẻ BHYT mà vừa rồi bệnh tim trở nặng tôi nhập viện không tốn nhiều tiền”.

Bận rộn là vậy nhưng hễ bà con trong ấp nhờ mua BHYT chị lại bất kể nắng mưa đều đạp xe ra xã để đăng ký hộ. Theo chị Dậy, thông qua mô hình góp vốn xoay vòng mua BHYT đã nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về quyền, trách nhiệm khi tham gia BHYT, đồng thời tạo điều kiện để hội viên và gia đình tham gia, hưởng quyền lợi từ BHYT, góp phần giảm nghèo, hình thành thói quen tiết kiệm trong chị em gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp chị em có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Với nhiều mô hình, cuộc vận động được triển khai thực hiện hiệu quả giúp Chi hội Phụ nữ ấp Ngọc Bình trở thành điển hình tiêu biểu trong phong trào phụ nữ học tập và làm theo Bác và xây dựng nông thôn mới. Ngoài huy động chị em đóng góp tiền giúp nhau phát triển kinh tế, chị Dậy luôn sẵn sàng giúp đỡ hội viên lúc khó khăn, hoạn nạn. Chị cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật mượn tiền mua BHYT với số tiền hàng chục triệu đồng.

 

Ảnh: Mát tay với nghề nuôi heo, chị Thị Dậy thu lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/năm từ đàn heo sinh sản và heo thịt.

 

ĐI ĐẦU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Ấp Ngọc Bình có 446 hộ, trong đó 30% hộ đồng bào dân tộc Khmer. Chi hội Phụ nữ có đông hội viên sống chủ yếu bằng làm ruộng, trồng màu, chị Dậy tích cực vận động hội viên, phụ nữ tham gia học nghề, tăng gia sản xuất. Chị kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của chị em trong ấp, từ đó đề xuất giúp hội viên nghèo bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi...

Nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì công việc, thể hiện rõ vai trò, chức trách trên các lĩnh vực công tác, nhiều người ở xã Ngọc Chúc nhận xét như vậy về chị Thị Dậy. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, chị luôn giữ ấm hạnh phúc gia đình, sắp xếp thời gian hợp lý, vừa làm kinh tế với lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm vừa chăm sóc chu đáo các con ăn học. Lập gia đình, ra riêng với 3 công đất ruộng, vợ chồng chị Dậy chăm chỉ làm lụng, lại khéo tính toán nên lần hồi có dư. Đến nay, vợ chồng chị có 10 công ruộng và thuê thêm 8 công để canh tác. Chị được Hội Nông dân xã Ngọc Chúc công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Chị Dậy nói: “Tôi học Bác tinh thần tiết kiệm. Tiết kiệm thời gian để mỗi ngày đều làm việc có ích cho mình, cho xóm ấp, tiết kiệm đất đai, công sức để trồng trọt, chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập. Làm mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống, làm ra được tiền phải chi tiêu hợp lý thì mới có dư, lo cho con cái ăn học đàng hoàng”.

Chồng bị tai biến phải nằm một chỗ, mọi gánh nặng gia đình, ruộng vườn đều do chị Dậy đảm đương chu toàn. Tháng 3-2020, chị được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng khen thưởng trong phong trào thi đua chuyên đề vận động nhân dân thực hiện công trình thắp sáng đường quê. Hoàn cảnh gia đình khó khăn vậy sao chị vượt qua được và hoàn thành tốt công tác, chị Dậy bộc bạch: “Tôi nghĩ học tập và làm theo Bác đơn giản là mỗi cán bộ dù ở vị trí nào chỉ cần cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tập thể đó mới vững mạnh. Là cán bộ phụ nữ kiêm cán bộ chi hội nông dân, tôi phải nêu gương, đi đầu trong sản xuất và các phong trào ở địa phương thì mới vận động hội viên làm theo. Mình là cán bộ mà chỉ nói suông, thiếu thực tiễn thì làm sao vận động mọi người làm theo được”.

Bích Linh-Báo Kiên Giang