Nhiều năm nay, ông Đỗ Văn Luông được xem là một trong những người tiêu biểu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Với bản chất ham học hỏi, siêng năng trong lao động sản xuất nông nghiệp, nên ông đã mạnh dạng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, đã mang lại nguồn thu nhập từ làm lúa trên 100 triệu đồng mỗi năm. Chia sẻ về quá trình sản xuất, ông Luông cho biết: Gia đình có 4,75ha diện tích đất canh tác lúa, sản xuất lúa 2 vụ/năm, bằng cách gieo sạ theo truyền thống, vừa tốn giống, sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu nên năng suất đạt thấp, có vụ sau khi trừ chi phí bằng âm. Từ đó, bản thân luôn tìm tòi học hỏi và được hướng dẫn của Hội nông dân xã, Tổ kinh tế kỹ thuật xã, thường xuyên tham gia vào các buổi tập huấn chuyển giao khoa học vào sản xuất. Thấy hiệu quả nên từ đó tôi đã áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, thực hiện cấy lúa bằng máy, đến nay đã mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với làm truyền thống. Không chỉ giảm giống, giảm phân bón, giảm sâu bệnh mà còn tránh đổ ngả. Đặc biệt, từ khi áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và chất lượng hạt lúa làm ra được nhiều công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, nên từ đó gia đình an tâm sản xuất.
Những nỗ lực vươn lên không ngừng của ông Đỗ Văn Luông trong phát triển kinh tế đã được ghi nhận, khi giờ đây ông Luông đã có kinh tế vững vàng, một cuộc sống gia đình sung túc. Và hơn hết là những kinh nghiệm quí báu trong sản xuất được ông Luông chia sẻ cho bà con cùng phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống.
Ảnh: Mô hình thử nghiệm sinh sản rắn ri voi trong bể xi măng của ông Đỗ Văn Luông.
Ngoài sản xuất nông nghiệp giỏi, ông Luông còn làm thêm các mô hình kinh tế như: Mô hình nuôi chim yến, mô hình nuôi rắn rivoi, mỗi tháng cho thu nhập cũng từ 15 – 20 triệu đồng. Theo ông Luông cho biết: những năm gần đây thấy mô hình nuôi chim yến đang phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên từ đó tôi đã tận dụng diện tích trên nốc nhà để xây dựng nhà yến nuôi thử. Ban đầu chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật nuôi chim yến, nên tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, cách thức nuôi chim yến trên sách báo, internet và những người có kinh nghiệm rồi quyết định đầu tư nuôi loại chim này. Hiện nay số lượng chim yến đến ở ngày càng đông, trung bình mỗi tháng thu hoạch lợi nhuận trên 15 triệu đồng/tháng.
Không chỉ sản xuất và làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Văn Luông còn tham gia các phong trào ở trong ấp, xã và các phong trào do Hội nông dân cấp trên phát động. Bản thân ông còn thường xuyên làm tốt công tác xã hội, hàng năm đóng góp quỹ vì người nghèo; thăm hỏi tặng quà cho người già, đau ốm; đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Đồng thời, bằng những kinh nghiệm và kiến thức mà ông đã tích lũy được trong quá trình sản xuất ông đã trao đổi và hướng dẫn hàng trăm hộ gia đình, động viên họ làm theo, cùng nhau phát triển kinh tế làm giàu cho địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói, từ những cách làm trên của ông Đỗ Văn Luông cho thấy, nếu người nông dân biết áp dụng, mạnh dạn đưa những tiến bộ về khoa học kỹ thuật mới kết hợp với kinh nghiệm trong thực tiễn để tổ chức sản xuất cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và nguồn lực của mình sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng năng suất và hiệu quả kinh tế vốn có của các mô hình mới đang phát triển và mang lại hiệu quả.