Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Nông nghiệp đô thị - xu hướng và giải pháp phát triển

(23:25 | 30/06/2024)

Là một trong những quốc gia phát triển có tốc độ đô thị hóa nhanh, nên ở nước ta số lượng dân cư đô thị ngày càng một tăng và diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Theo đó, phải chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng công nghệ mới như thế nào để tăng sản lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp còn lại của đô thị trở nên một thách thức, cấp bách, cần được quan tâm giải quyết cho phù hợp xu thế phát triển.

Nông nghiệp đô thị xuất hiện như một tất yếu của sự phát triển, đó là hoạt động sản xuất nông nghiệp dựa trên quỹ đất, môi trường, nguồn nước ở đô thị, sử dụng hoặc tái sử dụng những nguyên liệu tự nhiên và chất thải đô thị (VNDP,1996).

Nông nghiệp đô thị không chỉ tạo ra sản phẩm lương thực, thực phẩm mà còn tạo ra không gian xanh, môi trường trong lành, cảnh quan thân thiện, giải quyết việc làm… Góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tuy mới chỉ suất hiện tại thành phố Rạch Giá chưa lâu và chưa thật sự đa dạng về sản phẩm, song mô hình này đang thu hút khá nhiều sự quan tâm của nhân dân và bà con hội viên nông dân là cư dân đô thị. Nông nghiệp đô thị cũng đặt ra một số yêu cầu với góc độ quản lý nhà nước, cần phải được xem xét nghiêm túc, thấu đáo, như sau:

 

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Phích (bìa phải) - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao do Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh phối hợp doanh nghiệp thực hiện.

 

Về đất đai: trong công tác rà soát quy hoạch cần tạo không gian phát triển sinh thái đô thị, tiến hành khoanh vùng chức năng riêng biệt cho đất sản xuất nông nghiệp, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển nông nghiệp đô thị. Triển khai linh hoạt việc huy động và tận dụng tối đa không gian đô thị để sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, môi trường sống xanh cho người dân đô thị.

Về nguồn lực: hiện nay lao động nông nghiệp đô thị chủ yếu là người lớn tuổi, vì vậy cần:

- Tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân lớn tuổi thay đổi cách làm truyền thống, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng đô thị.

- Cần có các chính sách truyền thông định hướng, dẫn dắt thu hút lao động trẻ vào lĩnh vực nông nghiệp đô thị, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo của lao động trẻ trong lĩnh vực này.

- Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, cán bộ hội nông dân cơ sở, các hoạt động khuyến nông, tập trung thông tin tuyên truyền thông qua xây dựng các mô hình trình diễn như đã thực hiện từ tháng 6/2023 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh ta.

 

Ảnh: Mô hình nông nghiệp công nghệ cao do Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh phối hợp doanh nghiệp thực hiện.

 

Về chính sách, thị trường: Ưu tiên thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm có lợi thế về thị trường tiêu thụ đặc thù đô thị: rau sạch, nấm sạch, hoa… Đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp đô thị theo chuổi giá trị, liên kết với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Phải có các chính sách, chương trình và tiêu chí cụ thể cho nông dân đô thị trên cơ sở các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Chăn nuôi, Luật trồng trọt, song song đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan khi tham gia phát triển nông nghiệp đô thị, có biện pháp đồng bộ, hiệu quả trong việc thu gom, xử lý chất thải của nông nghiệp đô thị; đồng thời kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm nông nghiệp đô thị để kích cầu tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng và an toàn./.

Đỗ Trần Thịnh-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh