Ngay từ khi được bầu giữ cương vị Chi hội Trưởng Nông dân ấp Bãi Ớt, để làm tốt vai trò của mình trong việc tập hợp, vận động quần chúng nhân dân, bà Hạnh dành nhiều thời gian đến từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân và những vấn đề phát sinh ở địa phương, từ đó kịp thời kiến nghị, đề xuất với Hội Nông dân xã, Ủy ban Nhân dân xã để có các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong xã. Trách nhiệm, nhiệt tình, cần mẫn và gần gũi nhân dân là những nhận xét mà Hội Nông dân xã Dương Hòa cũng như người dân dành cho bà. Địa bàn xã hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, cái khó nhất của người làm công tác nông dân như bà Hạnh là vấn đề về ngôn ngữ; bà đã vận dụng linh hoạt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với các phong trào, các cuộc vận động do Hội Nông dân phát động đến với người dân một cách hiệu quả nhất.
Trong những năm qua, bà Hạnh tham gia và vận động người dân thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới như tiêu chí về thu nhập, về nhà ở, về môi trường… vận động quyên góp tiền của, sửa chữa, xây cất nhà tình thương và nhà đại đoàn kết, như hộ gia đình bà Vương Thi Lam ngụ ở ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa là hộ nghèo của xã. Thu nhập bấp bênh, chồng chị làm phụ hồ, chị thì ai thuê gì làm nấy còn nuôi 2 con ăn học. Chị Lam được Ủy ban nhân dân (UBND) xã xét tặng 1 căn nhà đại đoàn kết. “Nhờ chị Hạnh kết nối với chính quyền xét cất nhà ở, giờ đây tôi không còn lo lắng mỗi khi trời mưa bị dột nữa, tôi rất vui và rất biết ơn. Gia đình tôi cố gắng làm ăn để thoát nghèo trong thời gian tới”, chị Lam chia sẻ.
Thường xuyên thăm hỏi ốm đau, người già neo đơn, tặng quà nhân dịp lễ, tết. Đặc biệt là chủ động đề xuất với Hội Nông dân, UBND xã, phối hợp với các đoàn thể trong xã hướng dẫn về hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật trong nông nghiệp, để bà con áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, phát triển nuôi trồng thủy sản, chế biến. Kết hợp với trường đào tạo nghề mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương như: trồng hoa màu, trồng cây cải mầm, sửa chữa thiết bị máy móc… Hàng năm, xã đã giới thiệu trên 100 lao động vào làm tại các công ty ngay trên địa bàn xã. Đời sống kinh tế của đa số người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ gia đình đã từ khó khăn mà vươn lên thoát nghèo.
Những đổi thay của ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương hôm nay, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự phấn đấu không ngừng của người dân trong lao động, sản xuất vươn lên, còn có sự đóng góp không nhỏ của bà Lâm Ngọc Hạnh, Chi hội Trưởng Nông dân ấp. Bà xứng đáng là tấm gương sáng trong quá trình hoạt động công tác nông dân ở ấp, xã. Với tinh thần trách nhiệm cao, thái độ tận tụy, sự năng động, nhiệt tình trong công việc, những năm qua, cá nhân bà Hạnh luôn được Đảng ủy, UBND, Hội Nông dân và người dân xã Dương Hòa tin tưởng, đánh giá cao.