KIÊN CƯỜNG TRONG CHIẾN ĐẤU
Với tinh thần không có gì quý hơn độc lập tự do, thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước không chịu làm nô lệ, Đảng bộ, quân và dân huyện Giồng Riềng đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tỏ rõ khí phách, trí tuệ và sức mạnh của con người Việt Nam. Trong hơn 20 năm kháng chiến, Giồng Riềng đã có 12 ngàn cuộc đấu tranh lớn nhỏ với 61.500 lượt người tham gia, chưa kể các cuộc đấu tranh trực diện lẻ tẻ liên tục ở khắp nơi. Nhân dân Giồng Riềng đã đưa 5.120 thanh niên tòng quân, 700 thanh niên đi C112 (Trung ương Cục miền đông Nam bộ), huy động 77.500 dân công hỏa tuyến, 3.750 phương tiện xuồng, vỏ máy đưa bộ đội, chuyển thương vũ khí, huy động 7.200 lượt dân công phá lộ, đóng góp trên 1,12 triệu giạ lúa, sản xuất đảm cung 1,42 triệu giạ, 200 tấn thực phẩm khác… Để có được chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, quê hương Giồng Riềng đã tiễn biệt hơn 2.000 người thân của mình ra đi và không bao giờ trở lại; hơn 10.000 người bị địch giam cầm tra tấn dã man, thậm chí bị moi gan, mổ mật, bị thương tật đầy mình nhưng vẫn một lòng, một dạ theo Đảng.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thái Đông (thứ 3, từ phải qua) - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng chia vui cùng người dân ấp Hòa B, xã Hòa Lợi trong ngày khánh thành cầu kênh xáng Ô Môn.
VỮNG BƯỚC ĐI LÊN
Đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Giồng Riềng tiếp tục phấn đấu đưa quê hương thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Giồng Riềng giành được nhiều thành quả mới. Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng cao trong nhiều năm, cơ cấu kinh tế chuyển theo hướng tăng dần công nghiệp và dịch vụ. Không là huyện điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 nhưng Giồng Riềng vẫn đăng ký với tỉnh thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới. Đồng chí Cao Quốc Điện - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết: “Trong giai đoạn 2011-2020, huyện ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, dự án tập trung lãnh đạo, chỉ đạo XDNTM, đặc biệt xây dựng đề án huyện đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 để định hướng trong chỉ đạo. Đảng bộ huyện xác định muốn XDNTM trước hết phải đẩy cầu, đường đi trước, làm tiền đề thúc đẩy các tiêu chí khác. Và như phương châm được xác định trong giai đoạn 2016-2020 đó là nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Nhờ nhân dân vào cuộc quyết liệt nên việc xã hội hóa huy động nguồn lực thực hiện tốt. Tổng vốn huy động từ năm 2011 đến tháng 12-2020 đạt trên 2.440 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách 1.778 tỷ đồng, còn lại do các nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp. Từ đó, việc phát triển đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, cơ bản hoàn thiện; hệ thống giao thông liên hoàn thông suốt từ huyện đến trung tâm các xã, ấp được láng nhựa hoặc bê tông hóa. Huyện có hệ thống giao thông liên hoàn thông suốt từ huyện đến trung tâm các xã, ấp. 156,2/156,2km đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hóa, đạt 100%; 350,1km đường trục ấp, liên ấp được xây dựng cứng hóa và cứng hóa đạt chuẩn, tăng 46,5km so năm 2011.
Ảnh: Đồng chí Trần Kiếm Phong (hàng đầu, bìa trái) - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng cùng các đại biểu đi trên cầu kênh Xẻo Mây trong ngày khánh thành cầu.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huyện Giồng Riềng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Có được thành quả này, Đảng bộ, chính quyền huyện xác định XDNTM mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển. Với tiền đề về kết cấu hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội có xuất phát điểm tương đối khá nên khi bắt tay XDNTM không quá khó khăn. Mặt khác, ngân sách Nhà nước có sự đầu tư hợp lý, hiệu quả, khoa học, có phân kỳ, có chủ đích từ nguồn vốn được tỉnh cấp hàng năm. Ngoài ra, huyện còn được sự đóng góp của các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Tổng hòa các yếu tố đó đã góp phần thúc đẩy huyện ngày phát triển hơn. Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2020 là 119.062ha, tổng sản lượng 727.695 tấn, chiếm 1/6 tổng sản lượng lương thực cả tỉnh. Tổng lợi nhuận 3 vụ lúa 48,499 triệu đồng/ha. Hiện toàn huyện có 122 hợp tác xã nông nghiệp, với tổng diện tích 12.163ha chiếm 25,87% diện tích đất sản xuất lúa toàn huyện. Nhiều hợp tác xã hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tổng doanh thu bình quân hàng năm của các hợp tác xã đạt khoảng 450 triệu đồng/năm.
Ảnh: Sản xuất bánh tráng tại Cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài, xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng).
Với những bước đi căn cơ, cách làm sáng tạo, đến năm 2020, hộ nghèo huyện Giồng Riềng giảm còn 1,97%, thu nhập bình quân đạt 57 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2,27 lần so năm 2011. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,3%. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,01% so dân số.