Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Văn hóa -thể thao

Xem với cỡ chữAA

Phát huy truyền thống, xây dựng quê hương giàu đẹp

(15:21 | 02/11/2021)

46 năm sau ngày đất nước giải phóng, một diện mạo mới, một sức sống mới đang hiện hữu trên mảnh đất Giồng Riềng anh hùng. Với những cách làm hiệu quả của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Giồng Riềng đang vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng với sự hy sinh của cha anh đã ngã xuống cho độc lập dân tộc và tự do hôm nay.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Giồng Riềng có 12 ngàn cuộc đấu tranh lớn nhỏ với 61.500 lượt người tham gia. Nhân dân Giồng Riềng đã tiễn 5.120 thanh niên tòng quân, 700 thanh niên đi C112 (Trung ương Cục miền đông Nam bộ), huy động 77.500 dân công hỏa tuyến, 3.750 phương tiện xuồng, vỏ máy đưa bộ đội, chuyển thương vũ khí; huy động 7.200 lượt dân công phá lộ, đóng góp trên 1,12 triệu giạ lúa, sản xuất đảm cung 1,42 triệu giạ, 200 tấn thực phẩm khác… Để có được chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, quê hương Giồng Riềng có hơn 2.000 người hy sinh, hơn 10.000 người bị địch giam cầm tra tấn dã man, thậm chí bị moi gan, mổ mật nhưng vẫn một lòng theo Đảng. Quân thù càng tàn bạo, tinh thần yêu nước của nhân dân càng dâng cao. Điển hình cho tinh thần yêu nước, sự trung kiên và sẵn sàng hy sinh đó có người nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương. Truyền thống cách mạng tốt đẹp đó là nền tảng, là động lực để Ðảng bộ và nhân dân Giồng Riềng vững bước vào thời kỳ khôi phục, xây dựng quê hương.

 

Ảnh: Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tiến, xã Hòa Thuận (Giồng Riềng) thu hoạch lúa.

 

Trước đây kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào cây lúa nên chậm phát triển, đường giao thông nông thôn còn trắc trở nên việc đi lại, giao thương mua bán của người dân không thuận tiện. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo khá cao. Thế nhưng, về Giồng Riềng giờ đã khác xưa, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Đường làng, ngõ xóm trải bê tông sạch đẹp, nhà cửa khang trang. Ông Trần Văn Nhân, ngụ ấp Thạnh Thanh, xã Thạnh Hưng nói: “Trước đây, dân khổ lắm, nhất là trong vấn đề tìm cách làm ăn để thoát nghèo. Nhưng nay khác rồi, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, cho vay vốn làm ăn, xây dựng trường học nên con cháu được học trong ngôi trường khang trang, giao thông đi lại thuận tiện... dân rất phấn khởi”.

Đồng chí Cao Quốc Điện - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết: “Nổi bật là hệ thống đường giao thông nông thôn của huyện đã kiên cố hóa đạt 100% theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi. Hệ thống kênh, mương đảm bảo phục vụ tưới tiêu sản xuất. Từ năm 2011 đến tháng 12-2020, huyện huy động trên 2.440 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó, vốn ngân sách 1.778 tỷ đồng, còn lại do các nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp. Với những nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, sự chung tay góp sức của nhân dân, Giồng Riềng đã được công nhận nông thôn mới năm 2020”.

 

Ảnh: Đồng chí Cao Quốc Điện (bìa trái) - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng thăm mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng của nông dân xã Hòa Lợi.

 

Thành tựu rõ nét nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Giồng Riềng còn thể hiện qua kết quả cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đạt trên 95%. Việc xen canh, mở rộng diện tích trồng màu, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đạt nhiều kết quả. Tổng sản lượng lúa hàng năm của huyện gần 700.000 tấn, chiếm 1/6 tổng sản lượng lương thực cả tỉnh. Lợi nhuận 3 vụ lúa 48,5 triệu đồng/ha. Hiện toàn huyện có 120 hợp tác xã nông nghiệp, với tổng diện tích gần 12.000ha, chiếm 25,8% diện tích đất sản xuất lúa toàn huyện. Nhiều hợp tác xã hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tổng doanh thu bình quân hàng năm của các hợp tác xã đạt khoảng 450 triệu đồng/năm. Với những bước đi căn cơ, cách làm sáng tạo, đến cuối năm 2020, hộ nghèo huyện Giồng Riềng giảm còn 1,7%, thu nhập bình quân đạt 57 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2,3 lần so năm 2011.

Công tác chăm lo gia đình chính sách được Đảng bộ và chính quyền đặc biệt quan tâm, mức sống các gia đình chính sách cơ bản ổn định, nhiều gia đình đã phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Bằng nguồn ngân sách, sự đóng góp của nhân dân, trong 9 tháng đầu năm 2021, huyện cất mới và sửa chữa 148 căn nhà tình nghĩa, kinh phí gần 7,2 tỷ đồng. Đồng chí Cao Quốc Điện nói: “Với truyền thống huyện anh hùng, để không phụ lòng đồng chí, đồng bào đã ngã xuống, Đảng bộ cùng chính quyền và nhân dân Giồng Riềng quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Huyện phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2021 cấp trên giao, nhất là thực hiện đạt mục tiêu kép vừa tập trung khôi phục kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Nâng chất các tiêu chí huyện nông thôn mới. Phấn đấu được tỉnh công nhận 2 xã Thạnh Hưng, Long Thạnh đạt nông thôn mới nâng cao năm 2020, xã Hòa Lợi đạt nông thôn mới nâng cao năm 2021”.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang