Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin Tức - Chính trị

Xem với cỡ chữAA

LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY, CHỮA: Thường xuyên luyện tập để chủ động trong mọi tình huống

(22:58 | 25/11/2021)

Với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, từ đầu năm 2021 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng, cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) hăng say luyện tập xử lý tình huống cháy, nổ, với trên 60% cán bộ, chiến sĩ đạt khá, giỏi, còn lại đều đạt yêu cầu.

RA SỨC LUYỆN TẬP

Thượng tá Phạm Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết, hiện 155 cán bộ, chiến sĩ được huấn luyện 16 bài về thể lực; tiếp thu tất cả các văn bản pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Về nghiệp vụ chữa cháy, tất cả cán bộ chiến sĩ toàn đơn vị được trang bị kiến thức cơ bản, động tác cơ bản, các đội hình cơ bản, chiến, kỹ thuật chữa cháy; đồng thời còn luyện tập chữa cháy trong các điều kiện thiếu nước, môi trường khói, khí độc, ban đêm, trên sông, biển…

Trong huấn luyện về nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tăng cường các bài tập chữa cháy, cứu hộ trên cao, dưới sâu, trong không gian hạn chế, dưới nước và trong điều kiện bão, lũ… Riêng bộ phận lái xe, ngoài huấn luyện theo các đội hình, còn phải vận hành, thao tác, sử dụng tất cả các loại phương tiện được trang bị; đồng thời nghiên cứu những phương tiện mới trong nước và trên thế giới. “Đơn vị quyết tâm huấn luyện và luyện tập ở mức quy định cao nhất, trong đó, lãnh đạo phòng huấn luyện 200 giờ/năm; chỉ huy đội 300 giờ/năm; cán bộ, chiến sỹ 400 giờ/năm và lái xe, lái tàu 80 giờ/năm. Trong các thời gian này, có huấn luyện ban đêm và trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để chữa cháy, cứu hộ trong mọi tình huống”, Thượng tá Phạm Mạnh Hùng cho biết.

 

Ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ luyện tập các phương án chữa cháy trên cao.

 

Trung úy Danh Minh Sung, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết: “Cháy, nổ là sự cố không ai muốn, nhưng để không có các vụ việc đáng tiếc xảy ra thì phòng ngừa là chính. Bên cạnh tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức, cảnh giác phòng, chống cháy nổ thì việc luyện tập thường xuyên là cách tốt nhất để hạn chế mức độ thiệt hại khi xảy ra cháy”. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp trên, của lãnh đạo phòng, thời gian qua, Danh Minh Sung cùng đồng đội quyết tâm hoàn thành tốt các bài huyện tập, tuân thủ thời gian cắm trại 100% để sẵn sàng chống “giặt lửa” trong mọi tình huống.  

KỊP THỜI XỬ LÝ TÌNH HUỐNG

Giữa tháng 6-2021 đến nay, lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bố trí lực lượng thường trực 100% quân số, sẵn sàng làm nhiệm vụ và chi viện cho các địa phương. Trong thời gian này, đơn vị đã nhanh chóng xuất xe chữa cháy, cùng các lực lượng dập tắt kịp thời các đám cháy xảy ra và tổ chức cứu nạn có hiệu quả các vụ sự cố. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ cháy, 1 vụ nổ, 1 vụ sự cố thiên tai, 2 vụ tai nạn dưới nước, làm chết 3 người, bị thương 16 người, sập hoàn toàn 26 căn nhà, tốc mái 38 căn nhà, ước tình thành tiền khoảng hơn 6,7 tỷ đồng.

 

Ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ luyện tập sẵn sàng chữa cháy trong mọi tình huống.

 

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tập trung huấn luyện, luyện tập để sẵn sàng xử lý tình huống. Các đơn vị quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần chủ động thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ ở địa phương; xây dựng các phương án đối phó; thực hiện tốt các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư và hộ gia đình. Trong sản xuất, kinh doanh, sinh sống, doanh nghiệp và người dân không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ công tác an toàn về cháy nổ, sự cố, tai nạn, mà phải thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay những thiếu sót không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy như hệ thống điện lắp đặt không an toàn, sắp xếp hàng hóa, vật tư không đúng quy định, lối, đường thoát nạn không đảm bảo…

“Khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, mọi người dân phải giám sát chặt chẽ và đảm bảo các quy định an toàn. Nhà ở gia đình nên trang bị dụng cụ chữa cháy ban đầu. Nơi neo đậu tàu thuyền, chủ phương tiện phải có giải pháp phòng chống cháy, nổ; hầm máy phải thông thoáng, bồn chứa dầu phải đảm bảo kín, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu cho động cơ phải không được rò rỉ…”, Thượng tá Phạm Mạnh Hùng nói.

Lê Vinh-PV Báo Kiên Giang